Về tác động của tăng giá điện đối với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ và đơn vị hành chính sự nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng với giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh.
Cụ thể, cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 - 3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán từ 1.812 - 3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ.
Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là từ 2.040 - 2.124 đồng/kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá điện bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 1.525 đồng và 4.795 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế VAT.
Theo lãnh đạo EVN, hiện có khoảng 547.000 khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng. Với các đơn vị sản xuất, hiện có 1,921 triệu hộ sản xuất, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng.Với các đơn vị hành chính sự nghiệp, có khoảng 691.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, các đơn vị sẽ phải trả thêm 91.000 đồng/tháng.
Giá điện tăng khiến các doanh nghiệp sẽ phải trả thêm bình quân từ 91.000 - 499.000 đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về mức tăng chi tiết từng nhóm khách hàng, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết, tính toán của EVN cho thấy với các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (hơn 3,26 triệu hộ, chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt) thì mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
Với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (hơn 4,4 triệu hộ, chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (hơn 9,73 triệu hộ, chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt và là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (hơn 5,25 triệu hộ, chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
Với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (hơn 2,51 triệu hộ, chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (hơn 3,2 triệu hộ, chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Chi phí tăng thêm đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt mỗi tháng sau khi giá điện tăng.
“Tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200kWh/tháng trở xuống có hơn 17,41 triệu hộ, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ là 13.800 đồng/hộ. Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn”, ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, để hỗ trợ người nghèo, Thủ tướng đã có quyết định về việc hỗ trợ 30 kWh/tháng cho các hộ nghèo. Như vậy, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tăng từ 59.000 đồng, lên 62.500 đồng/tháng.
EVN cũng ước tính việc việc tăng giá điện 4,8% sẽ làm tăng CPI khoảng 0,04%. Đây cũng là mức tăng rất thấp và đã được Chính phủ, Bộ Công Thương tính toán để không tác động nhiều đến nền kinh tế.
Từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã 3 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%.
Tại tọa đàm "Giá thành điện - thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 10/10, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, việc để giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối rõ ràng là một bất cập. Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình trung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác.
Ông Hiếu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do tính giá bán điện có vấn đề và không hợp lý khi dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.
“Về lâu dài tôi có kiến nghị, với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, chúng ta phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa lợi ích các bên”, ông Hiếu nói.
Xem nhiềuKinh tế
Phó Thủ tướng làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về vốn đầu tư công
Kinh tế
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước
Kinh tế
Giá vàng nhẫn bật tăng trở lại
Kinh tế
9 tháng Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 1.400 doanh nghiệp mới
Kinh tế
Đăng thảo luận