Chiều 24/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM đã chỉ rõ thủ đoạn dùng ứng dụng (app) ngân hàng, hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo Thượng tá Long, lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán là thủ đoạn mà tội phạm thường sử dụng. Đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân bằng cách chạy quảng cáo, tán phát tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM trả lời báo chí chiều 24/10. Ảnh: Nhàn Lê
“Kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân. Một kịch bản lừa đảo thường được sử dụng là mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học,… Sau đó, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và mã OTP xác thực”, Thượng tá Long thông tin.
Một kịch bản lừa đảo khác được Thượng tá Long chỉ ra là các đối tượng dẫn dụ người dân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này có chứa mã độc nên dễ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại. Khi đánh cắp được thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặt mua hàng hóa. Tiếp đến, đối tượng gửi hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhận chưa nhận được tiền vào tài khoản (nghẽn mạng, ngân hàng đang xử lý).
Cuối cùng, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số hàng đã mua hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả); hàng hóa nhờ mua giúp có giá tiền cao hơn rất nhiều so với giá trị niêm yết để kích thích “ham muốn có lời” khi mua giúp. Khi nạn nhân chuyển tiền sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website không rõ nguồn gốc. Người dân chỉ nên cài đặt các ứng dụng từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (như Appstore của IOS hay CH Play của Android).
Khi bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại để đăng ký tài khoản và yêu cầu chuyển khoản, người dân phải hết sức cảnh giác, kiểm tra kỹ tất cả các thông tin trước khi thực hiện việc giao dịch.
"Tháng 7 năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM (PC02) đã bắt giữ một đối tượng lừa đảo có sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền. Mở rộng điều tra, PC02 đã bắt giữ các đối tượng bán hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan. Cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định", Thượng tá Long chia sẻ.
Cài sinh trắc học để chuyển tiền: Quá tải, xuất hiện lừa đảo kiểu mới 03/07/2024 Cảnh báo việc lừa đảo xác thực sinh trắc học chuyển tiền 02/07/2024 Bị lừa số tiền lớn vì tin vào 'biên lai chuyển khoản thành công' 14/04/2024Pháp luật
Khởi tố hai thanh niên đánh bạc qua mạng hơn 1.000 lần
Pháp luật
Bắt Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng
Pháp luật
Tiếp tục kiện toàn lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu
Pháp luật
Xét xử vụ cháy Karaoke An Phú khiến 32 người tử vong: Người thi công quán khai gì?
Pháp luật
Đăng thảo luận