Trong thời đại 4.0, giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình là vấn đề quan trọng, để gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người, xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc
Ngày 4-7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm, chủ đề "Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0".
Không có gì thay thế được!
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, tiến sĩ - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh gia đình là tài sản vô giá, là điểm tựa đặc biệt, không có gì thay thế được trong hành trình sinh ra, lớn lên và đi đến tương lai của mỗi con người.
Hiện nay, trong thời đại 4.0, gia đình đang đối diện với nhiều thách thức trước quy luật biến động của cuộc sống. "Trong biến động đó, làm sao giữ được gia đình bình yên là điều rất khó. Đây chính là lý do mà Báo Người Lao Động thực hiện tọa đàm này" - ông Tô Đình Tuân nói.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện để chứng minh cho tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi cá nhân và xã hội.
Bà Trần Thị Thu Hà (phường 11, quận 3; gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu cấp TP HCM) cho biết cha mẹ mất sớm nhưng bà may mắn có điểm tựa vững chắc từ gia đình chồng. Mẹ chồng thương yêu bà như con gái và bà Hà đã học được cách yêu thương con dâu, con rể từ mẹ chồng. Bà Hà tâm sự những tiến bộ trong sự nghiệp của bà đều có sự ảnh hưởng tích cực, sự ủng hộ từ gia đình, nhất là người chồng.
Anh Nguyễn Lê Hoàng Vũ (phường 7, quận Tân Bình; gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu cấp TP HCM) kể ở gia đình anh, ba mẹ luôn yêu cầu các con "làm gì thì làm, phải về ăn cơm với gia đình".
"Lúc còn nhỏ, tôi thấy khó chịu với yêu cầu này, cảm giác bị ràng buộc nhưng khi lớn lên, không còn sống chung với ba mẹ, tôi hiểu ra bữa cơm gia đình rất quan trọng, là dịp để mọi thành viên cùng chia sẻ, thấu hiểu, qua đó thêm gắn kết. Vì lẽ đó, với gia đình nhỏ của mình, chúng tôi cố gắng giữ cho bếp nhà luôn đỏ lửa" - anh Vũ chia sẻ.
Luôn trăn trở làm thế nào để người Việt Nam giữ được gia đình giữa những biến động lớn của thời đại, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) tâm sự từ năm 2008, ông bắt đầu nghiên cứu về vấn đề dân số - gia đình.
"Trong lịch sử chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước, người Việt Nam luôn dựa trên kết cấu làng xã để hình thành sức mạnh. Trong làng xã đó, gia đình đóng vai trò cốt lõi" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói và khẳng định dù ở thời đại nào, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, phải cố gắng giữ lấy gia đình.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Dù ở thời đại nào, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nền tảng để phát triển bền vững
Gợi mở cách gìn giữ để gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người, xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc, ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng nên tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Cần có những buổi nói chuyện thẳng thắn, chân thành dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, từ đó sẽ hiểu, cảm thông cho nhau, gắn kết với nhau hơn.
Với nhà báo Đan Hà (Báo Công Lý), gia đình bà đặt ra những nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng sở thích lẫn nhau và sự riêng tư của các thành viên. Áp dụng nguyên tắc này giúp cho các thành viên 3 thế hệ luôn gần gũi, gắn kết, trở thành những người bạn của nhau.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nêu Hiến pháp năm 1980, điều 64 có ghi "Gia đình là tế bào của xã hội". Tuy nhiên, sau đó câu này đã không còn trong Hiến pháp. Ông đề xuất đưa câu này trở lại Hiến pháp. Bởi nếu chú trọng đặc biệt đến sự phát triển ổn định, hạnh phúc bền vững của gia đình sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, nên đưa vào nhà trường môn khoa học hạnh phúc; các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội nên tổ chức thêm nhiều tọa đàm, hội thảo bàn về vấn đề gia đình để mỗi người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình.
Đồng tình với quan điểm của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, TS Phạm Thị Thúy, giảng viên chính, Phó Khoa Quản lý kinh tế - xã hội Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM, mong vấn đề hạnh phúc gia đình nên được lồng ghép vào các chính sách công; đưa môn khoa học hạnh phúc vào các trường học cũng như lan tỏa trong các chương trình, hội thảo.
Đăng thảo luận