TP HCM sẽ có quy chuẩn mới về an toàn thực phẩm để từng bước loại bỏ những sản phẩm không đạt chuẩn khỏi thị trường

Chương trình "Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP HCM" - gọi tắt là "Tick xanh trách nhiệm" vừa được TP HCM triển khai từ tháng 3-2024. Đến nay, ngoài 8 hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam đã tham gia, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng rất quan tâm và đang tìm hiểu tham gia.

Chuẩn mực mới về chất lượng hàng hóa

Công ty TNHH Đồng Xanh Farm là một trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản tiên phong tham gia chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa. Bà Huỳnh Ngọc Bích Đào, Tổng giám đốc, cho biết công ty của bà sản xuất nhiều mặt hàng nông sản để xuất khẩu nên phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Thế nhưng, việc cung ứng các mặt hàng nông sản chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp các mặt hàng đạt chuẩn xuất khẩu cho thị trường trong nước với giá hợp lý. Vì vậy, chúng tôi hy vọng nhận được Tick xanh từ chương trình sẽ chắp cánh cho sản phẩm của Đồng Xanh Farm đến với đông đảo người tiêu dùng hơn" - bà Đào bộc bạch.

 Kết nối trách nhiệm - hướng đến chuỗi cung ứng xanh 第1张

Nông sản đạt chuẩn của các địa phương được bày bán tại các hệ thống bán lẻ ở TP HCM

Trên địa bàn TP HCM, 8 hệ thống gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh Wincomerce và Kingfood Market đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa bán tại cả 8 hệ thống. Trong đó, Saigon Co.op tham gia tích cực với 3 nhóm sản phẩm thí điểm là trái cây, rau củ quả và thịt. Nhà bán lẻ này đã thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Saigon Co.op cũng đã ký kết với 23 nhà cung cấp, đồng thời vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình. Mới đây, ngày 24-9, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để bảo đảm chất lượng hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị phải đạt tiêu chuẩn như đã công bố, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. "Nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống. Đồng thời, sẽ báo cáo đến Sở Công Thương TP HCM và thông tin đến các nhà phân phối khác để các đơn vị đồng thời tiến hành kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm tương tự tiếp tục được lưu thông, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Quá trình xử lý này rất nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề" - ông Thắng nói.

Tương tự, 7 hệ thống phân phối gồm Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Wincomerce, Kingfood Market cũng đang tích cực thông tin đến các nhà cung cấp về việc phối hợp nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ông Vũ Dương Quân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra, cho biết đơn vị đang khuyến khích các nhà cung cấp tự nguyện đăng ký tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" và hiện đã có 4 nhà cung cấp hưởng ứng. "Sự hợp tác này một mặt bảo đảm tất cả sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng, mặt khác tạo ra một chuẩn mực mới cho thị trường, nâng cao uy tín của các hệ thống bán lẻ" - ông Quân bày tỏ.

Cần đẩy nhanh các chương trình hành động

Theo các DN bán lẻ, do chương trình còn quá mới mẻ nên số lượng nhà cung cấp đăng ký tham gia chương trình còn rất khiêm tốn so với con số hàng ngàn nhà cung cấp đang bán hàng vào siêu thị. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá chương trình, từ đó tăng độ nhận biết của DN, người tiêu dùng về chương trình.

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, một số nhà cung cấp cho biết vẫn phải tiến hành thủ tục chào hàng lại từ đầu khi chào bán sản phẩm vào hệ thống phân phối khác. "Các hệ thống bán lẻ vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ, chưa có tiêu chuẩn chung để đánh giá, tiếp nhận hàng hóa đầu vào nên chưa mang lại quyền lợi thật sự cho nhà cung cấp" - một DN cung cấp nông sản cho hay.

Tuy nhiên, các DN bán lẻ trần tình bản thân họ cũng chưa nhận được hướng dẫn sẽ cung cấp thông tin về những DN đã ký hợp đồng kiểm soát chất lượng hàng hóa cho ai, ai là người tập hợp danh sách này để ra được danh sách chung và tiến hành xác nhận để gắn "Tick xanh" cho sản phẩm cũng như hỗ trợ rút ngắn quy trình, thủ tục cho sản phẩm "vào" các hệ thống phân phối. "Cam kết và thực hiện cam kết về kiểm soát chất lượng hàng hóa đối với nhà cung cấp yêu cầu việc bắt buộc khi bán hàng vào siêu thị. Vấn đề còn lại là làm sao cho DN thấy được là ngoài trách nhiệm, họ còn được tạo cơ hội bán hàng vào các hệ thống bán lẻ lớn một cách dễ dàng nên rất hào hứng tham gia" - ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, bày tỏ.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thừa nhận chương trình mới dừng ở cam kết về chủ trương, thống nhất về quan điểm. Tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành lần này, Sở Công Thương TP HCM sẽ tổ chức sơ kết đánh giá 6 tháng triển khai chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa để đánh giá thuận lợi, khó khăn bước đầu của việc triển khai, từ đó sở sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị. "Khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết về kiểm soát chất lượng, được xem xét và đánh dấu "Tick xanh" sẽ được thống nhất hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối. Sở Công Thương cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm cho phù hợp, đủ sức răn đe" - ông Phương nói thêm.

Sở Công Thương TP HCM cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng triển khai chương trình đến các DN sản xuất, cung ứng ở địa phương. Mục tiêu là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường đều có "Tick xanh trách nhiệm", đều được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn ở mức cao nhất. 

Lần đầu tiên có chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt"

Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương TP HCM phối hợp các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2024 từ ngày 26 đến 29-9 tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, quận 11. Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 2.000 DN đến từ 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo Sở Công Thương, hội nghị năm nay có nhiều hoạt động kết nối thiết thực, thực tiễn đối với DN như: Hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng DN sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu, Melive Network tổ chức chiến dịch "Siêu LIVE hàng Việt" trên nền tảng TikTok, với tổng cộng 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, nhằm quảng bá cho hơn 200 sản phẩm đến từ 43 tỉnh, thành. "Hội nghị năm nay tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua - bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến… qua đó góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành" - Sở Công Thương thông tin.