Hoàng Văn Cương, 27 tuổi, là người thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Thời còn là sinh viên trường Nông lâm Bắc Giang anh được chọn giúp việc cho dự án trồng nho Hạ đen, giống nho sinh trưởng khỏe, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt, do Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) chuyển giao tại Việt Nam.
Anh Cương là một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu trong lao động sáng tạo, phát triển kinh tế năm 2022.
“Khi ấy chúng tôi cũng đã được làm quen với những giống cây mới là nho và dưa lưới. Và trong quá trình trồng thực nghiệm, tôi cũng đã thưởng thức quả nho hạ đen - một giống nho có xuất xứ từ Nhật Bản sinh trưởng khỏe, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt”. Bởi thế nhìn thấy vườn nho ở đây chàng trai trẻ đã rất tò mò muốn xem chất lượng nho trồng ở nước mình ra sao. Tuy nhiên khi mua để ăn thử thì sự khác biệt rõ rệt khi vẫn là giống nho đó nhưng quả chua, vỏ dày, không có màu tím đẹp, ăn xong lại ngứa cổ. Điều đấy làm tôi thôi thúc muốn nghiên cứu và tìm ra nguyên do.
Thời điểm đó là khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, công việc tại công ty phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật ở Bắc Giang cũng dần bấp bênh. Những khao khát từ thời sinh viên đã thôi thúc Cương nhen nhóm ý định trồng thử loại nho này vì anh đã có chút ít kinh nghiệm. Được vợ ủng hộ, anh vay tiền mua 140 cây giống và mượn một sào đất của bố vợ tương lai ở Hữu Lũng, Lạng Sơn để trồng thử nghiệm. Cứ cuối tuần sau khi xong việc ở Công ty anh lại từ Bắc Giang về Lạng Sơn chăm sóc vườn.
Nhưng thực tế, hành trình khởi nghiệp của chàng kỹ sư gắn với chuỗi thất bại liên tiếp. Do bón phân chuồng chưa hoai mục, tất cả cây anh trồng từ một tháng trước đồng loạt thối rễ. Để phục hồi lại rễ cho cây, Cương hì hụi đào hết từng gốc để trồng lại. Vừa cứu xong được rễ cây thì anh lại đau đầu nghĩ cách khắc phục nho xoăn lá rồi làm sao để cây phát triển, ra hoa, đậu quả…
Vườn nho Hạ đen đem lại năng suất và thu nhập cao cho anh Hoàng Văn Cương.
"Tôi gần như không ngủ nổi vì cứ nằm xuống lại nghĩ đến chuyện nho chết", Cương nhớ lại. Nửa đêm tỉnh dậy, anh lại lên mạng, lùng sục cách khắc phục nho xoăn lá. Khi tìm ra phương pháp phun nước kèm rong biển, 90% số nho hồi phục.
Và cuối cùng, những nỗ lực của Cương cũng đã được đền đáp. Hơn 200 kg nho đã được thu hoạch từ lứa quả đầu tiên bán được 30 triệu đồng giúp Cương trang trải nguồn vốn vay ban đầu và tiếp cho anh thêm quyết tâm động lực để khởi nghiệp với giống nho hạ đen. Anh Cương cho biết, nho chết đi sống lại mà vẫn không lỗ nên nếu chuyên tâm làm việc thì chắc chắn thành công. Và anh quyết định nghỉ việc và chính thức khởi nghiệp từ đó.
“Bố mẹ tôi giận lắm, nhưng rất may là vợ tôi lại ủng hộ, vậy nên tôi có thêm động lực”, Cương bộc bạch.
Cuối tháng 1/2021, Cương đánh liều sang xã bên (thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) thuê hơn 1ha đất trồng nho. Không có tiền thuê đất anh thuyết phục chủ đất cho thuê cuối năm sẽ trả. Còn tiền mua cây giống, làm giàn và trả nhân công, anh nhờ bố mẹ vợ vay giúp. Vì vốn không nhiều, anh chỉ dám trồng nho trên ⅓ diện tích đất thuê, còn lại anh trồng dưa lê Hàn Quốc cùng một số rau củ khác để lấy ngắn nuôi dài.
Nhưng khó khăn lại tiếp tục thử thách Cương, hơn 100 gốc nho bị đánh trộm, tiếp đó vì anh chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc diệt cỏ gấu xong thì lại gặp mưa nên thuốc ngấm xuống đất khiến số cây còn cũng gần như chết hết.
Dù lứa nho trồng lại cuối năm cho thu hoạch hơn 3 tạ quả, nhưng vẫn không đủ để trang trải tiền thuê đất. Cương lại xin khất nợ. Lần trồng tiếp theo những tưởng thành công thì anh lại gặp phải sự cố do đường thoát nước trong vườn vô tình bị một công trình xây dựng gần đó chặn lại khiến nho ngập nước quả rụng hàng loạt và thiệt hại nặng nề.
Với quy trình chăm sóc được đúc rút sau nhiều lần thất bại, 900 gốc nho trồng mới từ giữa năm 2022 cho thu hoạch vụ đầu được 1,4 tấn giúp anh trang trải bớt tiền thuê đất, tiền vốn vay. Tự tin với kỹ thuật chăm sóc cây, Cương mở rộng thêm diện tích trồng nho trong vườn lên ⅔ diện tích đất thuê. Bên cạnh đó anh còn góp vốn bằng việc hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật cho một số chủ vườn tại nhiều địa phương như: Quốc Oai, Đan Phượng, Phú Xuyên (Hà Nội); thị xã Duy Tiên (Hà Nam); Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Nghệ An.
Chia sẻ về sản lượng các vườn, anh Cương nhận định: “Nếu không có “sự cố” thì trung bình mỗi 1ha cho thu hoạch khoảng 10 tấn nho/năm. Với giá 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác”, Cương tiết lộ.
Về quê hương bằng đôi bàn tay trắng, bằng tinh thần ham học hỏi và nỗ lực vươn lên, anh Hoàng Văn Cương đã có được những thành công bước đầu. Thành công ấy cho anh cơ hội để tạo việc làm cho người dân địa phương; giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định, làm giàu ngay trên quê hương mình và đặc biệt đã giúp anh lấy được niềm tin từ gia đình, người thân.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại:https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn
Xem nhiềuGiới trẻ
Bảng dài thành tích của 'bóng hồng' cảnh sát 10x
Giới trẻ
Bí quyết nuôi dạy con thời hiện đại cho các gia đình trẻ
Giới trẻ
Những cô gái tận hưởng cuộc sống một mình
Giới trẻ
Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái khóa VI, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Giới trẻ
Đăng thảo luận