Theo trang National Geographic, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những xác nhận khoa học về hiện tượng cực quang hiếm có xảy ra ở Bắc Cực gần hai năm về trước.
Vào một buổi sáng Giáng sinh trên đảo Svalbard của Na Uy ở Bắc Cực, một ống kính fisheye (ống kính mắt cá - loại ống kính đặc biệt với góc nhìn rộng và đường cong lớn) hướng lên bầu trời đêm xanh và sáng.
Không giống như cực quang phương Bắc điển hình - nơi các cấu trúc mỏng, giống như con rắn dệt bên dưới các chòm sao, cực quang lần này khuếch tán trên bầu trời trong “một tấm chăn” màu xanh gần như đồng nhất.
“Cực quang này hình dạng rất mịn, và cấu trúc chỉ là một mảng màu xanh lục khuếch tán. Nó giống như một chiếc bánh màu xanh lục lớn”- Keisuke Hosokawa, một nhà vật lý không gian tại Đại học Điện tử Truyền thông ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết. Hosokawa chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống như vậy.
Cực quang kỳ lạ bao phủ bầu trời Bắc Cực vào ngày 25 và 26/12/2022. Hiện, trên Tạp chí Science Advances, Hosokawa cùng các đồng nghiệp đã xác định hiện tượng này là cực quang mưa vùng cực hiếm gặp.
Mưa ở Bắc Cực
Cực quang là “sản phẩm” của các electron từ Mặt Trời bị giữ lại và gia tốc bởi từ trường của Trái Đất. Các electron “chảy ra” từ vầng hào quang của Mặt Trời, bầu khí quyển ngoài cùng của nó, hay còn gọi là gió Mặt Trời.
Do sự đa dạng của các hạt năng lượng cao của gió Mặt Trời, các electron gió Mặt Trời thường không đủ năng lượng để tạo ra các cực quang có thể nhìn thấy khi đến Trái Đất.
Đăng thảo luận