Người mà chúng tôi nhắc đến nhiều nhất trong những câu chuyện của mình là thầy Đỗ Hữu Hiếu

Bao năm xa tuổi học trò, mỗi lần tụ họp, chúng tôi vẫn nhắc mãi những kỷ niệm thời học chuyên toán với  người thầy thương yêu học trò - cả những bạn nghịch ngợm, bằng tình cảm của người cha

Người mà chúng tôi nhắc đến nhiều nhất trong những câu chuyện của mình là thầy Đỗ Hữu Hiếu, sinh năm 1956. Thầy là giáo viên bộ môn toán Trường THCS Kim Đồng và Trường THCS Phước Nguyên, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; cũng là giáo viên chủ nhiệm năm đầu cấp của tôi.

Kiên trì, tận tâm, bao dung

Năm học 1993 - 1994, trong số hơn 400 thí sinh dự thi, trường chọn ra 26 học sinh vào lớp chuyên toán. Tôi còn nhớ cảm giác vui mừng đến run rẩy khi đọc kết quả. Tôi đã dò đi dò lại bảng công bố điểm để chắc rằng mình không nhầm. Là học sinh trường làng, tôi chỉ nghĩ mình thi thử sức.

Lớp tập hợp học sinh đủ các nơi, đông nhất là các bạn tại Bà Rịa (bấy giờ là thị xã). Lớp có 6 nữ, 20 nam. Ngày đầu đến lớp, các bạn thành thị đã quen nhau từ trước chuyện trò rôm rả, còn những học sinh trường làng như tôi lặng thinh ở một góc, hồi hộp chờ giáo viên chủ nhiệm đến. Khác với tưởng tượng của tôi về một ông giáo nghiêm khắc, khó tính, thầy Đỗ Hữu Hiếu đem đến cảm giác gần gũi, giống như người cha trước đàn con ngơ ngác ở một nơi xa lạ.

Thầy gọi chúng tôi là "con". Thầy nói muốn dạy dỗ chúng tôi như những đứa con của mình. Thầy để mọi người làm quen nhau, nói về sở thích, niềm mơ ước hay bất cứ điều gì để giới thiệu bản thân. Chúng tôi vỗ tay cổ vũ các bạn nhút nhát, cười nghiêng ngả khi các bạn trình bày tài năng - là bài thơ đọc ngưng giữa chừng, bài hát chế lời lung tung, bạn thì múa may, đánh võ, thổi kèn bằng cách chụm tay lại... Chỉ sau một buổi, chúng tôi thân thiết như hiểu rõ nhau từ lâu, những e dè liền được xóa bỏ.

Lớp toán nhiều con trai, lại đang tuổi nghịch ngợm. Lớp thường xuyên bị "bêu" tên dưới cờ vì nhiều học sinh không thuộc bài, không nghe giáo viên giảng, bày trò trêu chọc thầy cô.

Trò yêu thích của các bạn nam lớp tôi là... đánh nhau. Tiếng chuông vừa reo ra chơi là y như rằng các bạn lao vào nhau uỳnh uỵch. Lúc vô học lại, áo quần nhàu nhĩ, vạt trong vạt ngoài, đầu tóc rối bù. Bị phạt rồi làm hòa, rồi lại đánh nhau, bị "sao đỏ" ghi tên như cơm bữa.

Thời đó, trường học một buổi nhưng lớp chuyên học cả ngày. Có những buổi đến giờ vào học mà lớp vắng hoe, thì ra lúc nghỉ trưa, cả đám kéo nhau đi tắm đập Đá Đỏ cách đó vài cây số không về kịp. Có bạn vô nhà văn hóa leo lên cây me keo cao chót vót hái trộm, ném lõm bõm xuống hồ nước phía dưới, bị bảo vệ phát hiện, mách lại nhà trường.

Lúc đó, khối 6 có 10 lớp, cộng thêm 2 lớp chuyên văn, toán. Lớp tôi thường xuyên nhận vị trí thứ 12. Mỗi lần chào cờ xong đến tiết sinh hoạt chủ nhiệm, những gương mặt quen thuộc bị nêu tên: Hoàng, Sơn, Hân, Huy... Một dọc các "anh hùng" đứng phơi nắng hoặc chạy vài vòng dưới sân. Trong tay thầy lăm lăm cây thước bản to, giơ cao nhưng đánh khẽ. Khi đó, tôi nghĩ sao thầy không phạt nặng hơn cho các bạn sợ. Sau này tôi mới hiểu, ở cái tuổi nghịch ngợm cộng tố chất hiếu động của học sinh lớp toán, bảo các bạn ấy không phá phách, không bày trò khác nào kêu mặt trời đừng mọc vào buổi sáng!

 NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: Như một người cha 第1张

Tác giả chụp hình cùng thầy Đỗ Hữu Hiếu hồi cuối năm lớp 6. Ảnh: TƯ LIỆU

Có lần, thầy Hiếu dùng chiêu "khích tướng". Các chàng trai muốn chứng tỏ mình, ngoan hiền một cách kỳ lạ. Tuần đó chúng tôi xếp nhất khối, lớp trưởng lên nhận cờ thi đua, mọi người vỡ òa vui sướng, vênh mặt hãnh diện. Về lớp, thay vì treo cờ bên trong, các bạn treo ngay cửa ra vào. Lá cờ đỏ chót phấp phới, đập vô mắt thầy hiệu trưởng. Bị thu cờ thi đua, niềm vui chưa bao lâu, cả lớp liền bị phạt... Không thể kể hết những trò các bạn bày ra, nhiều phen tôi tức phát khóc vì vạ lây.

Hồi đó vô tư không nghĩ gì, sau ngẫm lại ai cũng thương thầy. Chủ nhiệm cái lớp tinh quái, chắc họp giao ban tuần nào thầy cũng bị nhắc nhở, mất điểm thi đua giữa các giáo viên. Nhưng từ đầu đến cuối năm học, thầy luôn đối xử với chúng tôi bằng sự tận tâm, không chỉ trong các bài giảng môn toán mà còn những bài học đạo đức, chuyện đối nhân xử thế với bạn bè, với người xung quanh.

Những bài toán hóc búa tôi có thể quên, nhưng những bài học làm người của thầy là hành trang theo tôi mãi. Trong đó, tôi nhờ mãi câu "đàng hoàng trước rồi mới nghĩ tới huy hoàng".

Sau này, trong những lần chúng tôi về thăm, thầy tâm sự rằng lo các bạn tự phụ khi ngồi ở một lớp đặc biệt, nhận nhiều sự quan tâm của nhà trường. Vì thế, thầy luôn đau đáu việc dạy bài học làm người bên cạnh những kiến thức mà nhà trường yêu cầu của bộ môn toán.

Nhớ mãi tình thầy trò ấm áp

Tôi còn nhớ lúc tổng kết học kỳ 1, trường trao phần thưởng cho những học sinh xuất sắc (đạt điểm trung bình từ 9 trở lên). Lúc đó tôi nhất lớp nhưng chỉ đạt điểm trung bình 8.9, không được nhận quà.

Kết thúc buổi chào cờ, về lớp, thầy trao thưởng cho 3 bạn đứng đầu, do thầy tự bỏ tiền mua. Phần của tôi là quyển từ điển tiếng Anh nhỏ xinh, đề dòng chữ "Phần thưởng học sinh hạng I học kỳ 1". Tôi thật xúc động và tự hào, bởi nó thể hiện sự công nhận cùng sự quan tâm của thầy với tôi và các bạn.

Lớp không có kinh phí đi dã ngoại. Thầy bỏ tiền túi, thêm sự đóng góp của vài phụ huynh có điều kiện, tổ chức cho cả lớp chuyến đi núi Minh Đạm, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - một thắng cảnh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia - trong năm tôi học.

Lúc đó, bọn tôi còn nhỏ, chỉ biết háo hức chờ đến ngày đi. Không biết từ mấy hôm trước, thầy cùng vợ, cũng là giáo viên, tất bật chuẩn bị những thứ cần thiết, kể cả cơm nắm đem theo cho chúng tôi ăn trưa. Lúc lên núi, các bạn nam quen leo trèo nhanh nhẹn đi trước. Với một số bạn sức khỏe yếu, trong đó có tôi, thầy dắt lên núi, rồi cẩn thận đưa từng đứa xuống.

Buổi chiều, chúng tôi tắm biển Long Hải gần đó. Thầy cùng vài phụ huynh đứng suốt ngoài biển, không cho mấy đứa ham chơi bơi ra xa, quát tháo khản giọng với một đám loi choi.

Tôi luôn nhớ chuyến đi này. Đó là chuyến đi chơi đầu đời của tôi và nhiều bạn. Chuyến đi để lại trong tôi những ký ức và cảm xúc khó quên, đặc biệt là về hình ảnh thầy đẫm mồ hôi đưa học trò leo núi, hay ướt sũng người ngoài biển bảo đảm an toàn cho một lũ hiếu động.

Theo đề nghị của nhiều phụ huynh, thầy mở lớp dạy nâng cao môn toán ở nhà, sau giờ học. Lúc đó tôi không tham gia vì nhà khó khăn. Thầy đến tận nhà gặp mẹ tôi, bảo cứ yên tâm cho tôi đi học, thầy không thu đồng học phí nào. Những bữa học muộn, tôi còn được ăn cơm cùng gia đình thầy. Nồi cơm nhà thầy lúc nào cũng nấu dư, để dành cho lũ học trò tuổi ăn tuổi lớn.

Hết năm học, thầy vẫn quan tâm học trò của mình. Trong lớp tôi có một bạn hoàn cảnh đặc biệt, cha đi xuất ngoại từ lâu; khi mẹ mất, bạn ấy không nơi nương tựa. Thầy mở rộng cửa, cho bạn ấy tá túc như một thành viên trong gia đình.

Năm 2010, ba tôi mất ở quê. Biết nhà tôi neo người, được các bạn báo tin, thầy có mặt từ sớm, lặng lẽ giúp tôi trong lúc tang gia bối rối. Thầy cùng các bạn đưa ba tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng. Cảm giác ấm áp ấy, tôi không bao giờ quên… 

Bồi hồi, tiếc nuối

Điều khiến tôi tiếc nuối mãi là cuối năm 2020, lớp tổ chức họp mặt nhưng tôi không tham gia được. Hôm ấy, thầy trò nói chuyện qua điện thoại, hẹn dịp khác gặp nhau.

Tôi chưa kịp về thăm thì cuối năm 2021, thầy đột ngột qua đời vì đột quỵ. Trong tang lễ của thầy, rất nhiều học trò và thầy cô đồng nghiệp tiếc thương, kể nhau nghe về những chuyến đò thầy đưa. Riêng tôi còn một nỗi niềm tiếc nuối. Thắp cho thầy nén hương, tôi bật khóc khi nhớ lại những tình cảm bao la thầy đã dành cho lớp, cho bản thân tôi cùng gia đình.

Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn bồi hồi xúc động. Dù thầy đã đi xa nhưng kỷ niệm về thầy luôn sống mãi trong lòng chúng tôi, thế hệ học trò được thầy dìu dắt.

 NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: Như một người cha 第2张

 NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: Như một người cha 第3张