(NLĐO) - Trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp, việc giải quyết chế độ cho người lao động sẽ giao Chính phủ quy định
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Tổng số tiền nợ khó thu hồi là hơn 4.000 tỉ đồng của trên 213.300 người lao động. Ngoài các quyền lợi về BHXH, BHYT, khi thôi việc, mất việc số lao động trên rất thiệt thòi vì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), vừa qua, BHXH Việt Nam đã đề nghị bổ sung quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHTN.
Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Bum Jin Vina (quận Bình Tân, TP HCM) không được hưởng BHTN khi chủ doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN và bỏ trốn
Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHTN khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ BHTN trong trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHTN mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể; đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Đăng thảo luận