Cảm ơn Co.opmart đã cho con nụ cười nhiều nhất trong thời khắc tưởng chừng như con đau đớn nhất.
Con gái tôi sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, nương rẫy bạt ngàn. Bữa ăn chỉ là rau rừng, gà, vịt trong nhà. Con chưa từng biết đến phố xá nhộn nhịp. Trong thế giới của con, có một tiệm tạp hóa nhỏ ở đầu bản, nơi tôi thường dẫn con đến mua những thanh kẹo nhỏ.
Năm con 9 tuổi, không may mắc bệnh ung thư xương, phải cắt một bên chân. Đó là lần đầu tiên tôi đưa con ra Hà Nội. Chỉ số ung thư không giảm sau những đợt hóa trị, di căn lên phổi và não, bác sĩ khuyên tôi đưa con về nhà để có thời gian bên người thân.
Tôi nhớ ngày làm thủ tục ra viện, con hỏi tôi có thể cho con đi chơi xung quanh không. Nghĩ đến những ngày con trên giường bệnh, nghĩ đến cái nóng bỏng rát giữa tháng 6, tôi quyết định đưa con đến Co.opmart.
Quầy nước mắm ở siêu thị Co-opMart
Đôi tay tôi đẩy chiếc xe lăn cho con, từng bước chậm rãi tiến vào cửa siêu thị. Khi cánh cửa vừa mở ra, con reo lên: "Mẹ ơi, ở đây mát quá, sạch quá. Quá trời thứ luôn mẹ!". Nhìn con, tôi nhớ về hình ảnh cô gái làng quê lần đầu lên thủ đô lớ ngớ choáng ngợp trước không gian rộng lớn của siêu thị. Chỉ khác là 4 năm ở Hà Nội, tôi đã thuộc làu từng lối đi của siêu thị, còn với con gái tôi…
Lần đầu con đến siêu thị cũng là lần cuối cùng và là lần duy nhất trong đời.
Chúng tôi đi giữa các quầy hàng. Chiếc dép tổ ong con treo trên xe lăn. Đôi mắt con sáng rực, miệng chúm chím cười đầy thích thú. Như chú sẻ nâu lạc vào giữa khu rừng cổ tích, con liến thoắng hỏi tôi cái này là gì, cái kia là gì? Chẳng ai có thể nghĩ rằng sự sống của con chỉ còn tính bằng ngày.
- Mẹ ơi, mẹ mua xúc xích đi. Con thèm lắm.
Mắt tôi cay xè. Con lớn lên đâu biết đến xúc xích và nước ngọt. Sữa cũng rất ít. Sau này điều trị bệnh, dù con muốn ăn, tôi vẫn cứ đắn đo suy nghĩ. Nhưng hôm nay, tôi không muốn dè chừng nữa. Tôi nhanh tay lấy 3 túi xúc xích đặt vào tay con. Nhìn con ôm trước ngực như sợ đôi tay gầy gò bé nhỏ sẽ đánh rơi, tôi hiểu con thích nó đến nhường nào.
Lâu lâu con lại ngước mắt nhìn lên những kệ hàng được xếp cao, rướn người rồi đưa tay ra chạm vào những món hàng đủ màu trước mặt, cầm lên ngắm nghía thật lâu rồi lại khẽ khàng hỏi: "Mẹ ơi, có đắt không mẹ?"
Cuộc thi “Tự hào hàng Việt”: Nhớ canh chua cá lóc nấu khế của mẹ
Cuộc thi "Tự hào hàng Việt": Đi đâu cũng có Saigon Co.op đồng hành
Cuộc thi “Tự hào hàng Việt”: Đôi dép bị đánh cắp
Đến gian hàng thực phẩm, nhìn thịt, cá, tôm, tôi nhớ đến những bữa cơm vụng về con nấu ngày vẫn còn khỏe. Miếng thịt thái to, nêm nếm gia vị mặn vì chỉ có muối và nước mắm; những con cá suối đắng ngắt vì vẫn còn túi mật nhưng chan chứa tình yêu thương non nớt, ngây thơ con dành cho tôi.
Len lỏi giữa dòng người đông đúc, chúng tôi đến gian hàng trái cây. Con cầm những quả táo, quả cam lên mũi hít hà mùi thơm rồi vui vẻ cười khi các cô mời nếm thử kiwi, dâu tây. Rồi bỗng dưng con hỏi: "Mẹ ơi có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không, nếu vậy mẹ nhớ mua ở đây nhé". Nước mắt tôi thi nhau rơi xuống. Nơi đây, tôi chứng kiến niềm vui cuối cùng của con. Nơi đây, tôi cũng thấy bé con của tôi hiểu chuyện đến đau lòng.
Chỉ vài ngày sau đó, con ra đi trong giấc ngủ dài trên chiếc xe lăn. Bao năm trôi qua, tôi chưa từng trở lại Hà Nội. Cảm ơn Co.opmart đã cho con nụ cười nhiều nhất trong thời khắc tưởng chừng như con đau đớn nhất.
Đăng thảo luận