Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp quan trọng tại Liên hợp quốc 第1张 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Từ ngày 22-26/9/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, sau đó thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez cùng Phu nhân.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

- Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết ý nghĩa chuyến công tác tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Từ ngày 22-24/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ.

Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới và Liên hợp quốc đang chứng kiến nhiều biến chuyển sâu sắc, với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, tác động mạnh mẽ đến các thể chế đa phương, hợp tác và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu và với từng quốc gia, nội dung các hội nghị lần này rất “đúng và trúng”[1].

Với 150 Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên Liên hợp quốc dự kiến tham dự, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sẽ cùng rà soát, tìm các cách thức hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cho đến năm 2030, đề ra các định hướng lớn về phát triển cho giai đoạn tới.

Tại Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc đối với hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.