Việt Nam-Thụy Điển thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học-công nghệ 第1张 Đại sứ Trần Văn Tuấn chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác thành phố Hải Phòng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thuỵ Điển 2024 ngày 6/9 tại Stockholm. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN) Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Năm 2024 đánh dấu 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời và đặc biệt. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969.

Đối với người dân Việt Nam, nói tới Thụy Điển là nói tới sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Thụy Điển đã luôn dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước.

Trải qua 55 năm, hai nước đã không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trần Văn Tuấn khẳng định trong quan hệ song phương, hai bên có nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà bên này có thế mạnh và bên kia có nhu cầu.

Đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN có mặt tại Stockholm, Đại sứ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh trước hết, hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây chính là lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh, đi đầu trên thế giới, trong khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu phát triển của Việt Nam hiện tại cũng như lâu dài đều hướng tới chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, hai nước có tiềm năng hợp tác tốt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đặc biệt là trong những lĩnh vực Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm như: công nghệ thu giữ carbon, xử lý rác thải; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý tài chính; theo dõi và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Thứ ba, hai nước cũng có tiềm năng hợp tác hiệu quả về lao động, thương mại và đầu tư. Việt Nam với quy mô dân số hơn 100 triệu người, có chế độ chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đang thực sự là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.

Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động ngoại giao kinh tế để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển 2024, được tổ chức vào ngày 6/9, tập trung vào 3 chủ đề chính: Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng và Đổi mới sáng tạo.