Livestream (phát sóng trực tuyến trên mạng) ngày càng thu hút giới trẻ

Bùi Thị Ngọc Giang (22 tuổi, quê Đồng Nai) đang làm host livestream cho một công ty sản xuất - thương mại - dịch vụ ở TP Thủ Đức (TP HCM). Công việc giúp cô ổn định cuộc sống với thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Nhiều áp lực

Ngọc Giang tốt nghiệp cao đẳng và từng làm lễ tân ở một công ty thời trang. Để làm livestream, Giang theo học các khóa đào tạo và trải qua nhiều môi trường làm việc cho đến khi tìm được nơi ưng ý.

 Vui buồn nghề livestream 第1张

Hoàng Thịnh (bìa trái) và Ngọc Giang cũng như nhiều bạn trẻ tìm thấy cơ hội tăng thu nhập và hoàn thiện bản thân khi gia nhập “đường đua” livestream

Livestream bán hàng thoạt nhìn đơn giản, chỉ cần hoạt ngôn khi xuất hiện trước camera nhưng trước khi quen việc, Giang đã từng sai sót. Cô kể: "Lúc trước, tôi thường livestream cùng ma-nơ-canh. Việc thay trang phục cho ma-nơ-canh mất nhiều thời gian khiến TikTok nhận diện đó là con người. Quy định người livestream không được đứng bất động nên nhầm lẫn ấy khiến tài khoản bị khóa". Một vài sơ suất khác cũng mất công xử lý, điều này ảnh hưởng uy tín và lượng người theo dõi nhãn hàng. Nhờ hiểu rõ tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử nên Giang dần khắc phục được các hạn chế, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc. Mỗi tháng, Giang livestream 180 giờ và chủ động lựa chọn thời điểm. Cô duy trì lịch phát sóng đều đặn hằng ngày với các sản phẩm: sữa, bánh kẹo, đồ tiêu dùng... Có lúc, Giang livestream suốt đêm để nỗ lực "ra số" cho nhãn hàng.

Châu Nguyễn Hoàng Thịnh (22 tuổi, ngụ TP HCM) có cơ hội làm livestream khi đang là cộng tác viên Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM. Khác với bán hàng, phiên live của anh cố định lúc 15 giờ mỗi thứ hai, tư, sáu trên kênh TikTok chính của trường, hướng đến đối tượng khán giả là phụ huynh và học sinh. Nhiệm vụ của anh là cập nhật việc tuyển sinh, về kỳ thi trung học phổ thông và các mốc thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học phí, học bổng và các chủ đề hữu ích cho tân sinh viên. Là "tay ngang" nên lúc đầu anh khá căng thẳng: "Tôi sợ nói sai, không biết cư xử đã đúng mực chưa. Đặc biệt, không thể lường trước những câu hỏi từ người xem nên việc nắm chắc thông tin là rất cần thiết". Khó khăn còn đến từ khâu vận hành thiết bị, ánh sáng và chọn góc quay. Rất may là được cộng sự nhiệt tình hỗ trợ.

Định hình phong cách

Ngọc Giang có tiền sử bệnh dạ dày, kèm tình trạng thiếu ngủ, lịch sinh hoạt xáo trộn nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Có lần, cô tụt huyết áp khi vừa kết thúc phiên live. Dần dà, Giang biết cách cân bằng giữa làm và nghỉ ngơi vì hiểu là chỉ có thể đi đường dài khi khỏe mạnh, giàu năng lượng.

Nguyễn Tường Vy (21 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa) thì liên tục sáng tạo và đổi mới nội dung để giữ chân khách hàng. Vy đang làm bán thời gian cho một TikToker chuyên review tiệm gội đầu và đời sống cá nhân, bán mỹ phẩm và đồ gia dụng. Cô chuẩn bị mọi thứ, kiểm tra kỹ thuật và hỗ trợ host suốt buổi livestream. Là sinh viên ngành quan hệ công chúng và gia đình làm kinh doanh nên Vy có lợi thế ăn nói và kỹ năng bán hàng. Dù vậy, cô phải nỗ lực nhiều để định hình phong cách đặc trưng, tránh gây nhàm chán. Cô chăm thử nghiệm sản phẩm, hứng thú khi học cách kết nối với người xem. "Bảo vệ giọng nói, giữ tâm lý tốt là ưu tiên. Đứng nhiều có nguy cơ giãn tĩnh mạch, đau lưng, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mạnh từ đèn livestream có thể làm hại da, mắt, dễ gây choáng và ảnh hưởng thần kinh nên tôi phải thu xếp thời gian biểu hợp lý" - Vy nói.

Hoàng Thịnh thì ngày càng diễn đạt lưu loát, vốn từ phong phú. Phiên live gần nhất anh dẫn dắt có 150.000 lượt thả tim, là cột mốc để tự tin hơn khi đứng trước ống kính. Anh còn học cách lắng nghe, đặt mình vào vị trí thí sinh để hiểu lo lắng, kỳ vọng của họ và tư vấn hợp lý; biết xử lý tình huống bình tĩnh. Với Ngọc Giang, livestream là đam mê. Mục tiêu của cô là xây dựng kênh cá nhân để livestream chứ không chỉ hoạt động trên kênh của các công ty, các sàn thương mại. 

Không ngừng nâng cao kỹ năng

ThS Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, cho biết: Shoppertainment (mua sắm giải trí) đang là trào lưu nổi bật trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Khách hàng không đơn thuần mua hàng mà còn tương tác, trải nghiệm với thương hiệu, có nhu cầu thư giãn, bày tỏ cảm xúc, tham gia trò chơi... Với tố chất nhạy bén, thích nghi linh hoạt, am hiểu công nghệ nên ngày càng nhiều lao động trẻ gia nhập lực lượng streamer, dẫn đến cạnh tranh gay gắt, không chỉ giữa những ai làm livestream mà còn là giữa người với trí tuệ nhân tạo (AI). Chuyện dùng AI livestream bán hàng 24/7 đã bùng nổ ở Trung Quốc và mô hình này rồi sẽ phổ biến ở các thị trường khác. Theo ông Tú, số lượng các "chiến thần" livestream doanh thu bạc tỉ mỗi phiên chiếm phần nhỏ và thường tập trung vào nhóm người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng. Với số đông còn lại, chính sự chuyên nghiệp, tinh tế, không ngừng nâng cao kỹ năng, thể lực... là chìa khóa giúp bạn trẻ "trụ" lâu với công việc ngày càng áp lực này.