3 mục đích lớn của ông Putin trong chuyến thăm Mông Cổ
(Dân trí) - Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga Putin, bất chấp lệnh bắt giữ của Tòa hình sự quốc tế (ICC), nhắm tới nhiều mục đích, trong đó có việc thúc đẩy dự án xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia 2".
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại thủ đô Ulaanbaatar ngày 3/9 (Ảnh: Reuters).
Trong hai ngày 2-3/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thủ đô Ulaanbaatar trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ.
Trong chương trình, ông Putin có tham dự lễ kỷ niệm 85 năm Ngày chiến thắng Khalkhin Gol, hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh về quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Xét bối cảnh chuyến thăm và những gì hai bên đã thảo luận, có thể thấy chuyến thăm Mông Cổ lần thứ 2 trong vòng 5 năm này của ông Putin có 3 mục đích lớn sau đây.
Thứ nhất là củng cố quan hệ hợp tác song phương. Ông Putin chọn thời điểm 85 năm Ngày chiến thắng Khalkhin Gol để đến dự lễ và thăm Mông Cổ lần này, chắc chắn là muốn nhắc đến một trận chiến chung giữa hai nước trên đất Mông Cổ thời Thế chiến II, là một cơ sở lịch sử quan trọng gắn kết chặt chẽ hai nước, hai dân tộc từ đó trở đi và về sau.
Quan hệ hợp tác Nga - Mông Cổ đã được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn từ năm 2019. Và từ lâu nay, Nga luôn là nhà cung cấp gần như toàn bộ nhu cầu về năng lượng và rất nhiều hàng hóa chiến lược khác cho Mông Cổ (năm 2023, hơn 90% xăng dầu vào Mông Cổ là từ Nga).
Tuy nhiên, do Mông Cổ nằm giữa cả Nga và Trung Quốc với gần 3.000km biên giới trên bộ với mỗi nước, mối quan hệ hợp tác truyền thống Nga - Mông Cổ không mặc nhiên được duy trì và củng cố bởi Bắc Kinh và phương Tây luôn tìm cách tranh thủ "quyến rũ" Ulaanbaatar, đặc biệt là từ khi Nga vướng vào cuộc chiến với Ukraine. Trong khi đó, ở Mông Cổ, hệ thống đa đảng ngày càng phát triển và có chính phủ liên hiệp. Hệ quả rõ ràng nhất của điều này là việc Mông Cổ chưa nhất trí với đề xuất của Nga về vai trò nước trung gian thông thường trong dự án đường ống dẫn khi đốt "Sức mạnh Siberia 2" dài gần 2.600km, đưa khí đốt của Nga tới Trung Quốc, mà đỉnh điểm là tháng 8 vừa qua Ulaanbaatar bất ngờ không còn nêu gì đến dự án này trong kế hoạch phát triển đất nước đến năm 2028.
Trong hội đàm cấp cao Nga - Mông Cổ, Tổng thống Putin đã khẳng định Nga coi quan hệ với Mông Cổ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á; quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao. Ông Putin cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Mông Cổ về nguồn cung cấp nhiên liệu và có thể tham gia vào dự án hạt nhân chung cũng như việc kết nối đường sắt giữa hai nước.
Về phần mình, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh đã nêu rõ nước này mong muốn phát triển và mở rộng hợp tác với Nga trong khuôn khổ chính sách đối ngoại đa phương hóa của mình; và bày tỏ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ tạo ra những cơ hội mới cho Mông Cổ mở rộng hơn nữa hợp tác với Nga.
Cuối chuyến thăm của ông Putin, hai bên đã ký 5 văn bản thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vưc dầu mỏ, cung cấp nhiên liệu cho Mông Cổ và dự án cải tạo nhà máy điện ở Mông Cổ. Ngoài ra, Tổng thống Putin đã mời và được Tổng thống Khurelsukh nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Brics sẽ được tổ chức tại Kazan, Nga vào tháng 10 năm nay.
Bản đồ mô phỏng các dự án đường ống "Sức mạnh Siberia" (1) và "Sức mạnh Siberia 2" (Đồ họa: Table.media).
Thứ hai là nỗ lực khai thông dự án xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia 2" đưa khí đốt từ bán đảo Yamal của Nga qua Mông Cổ vào Trung Quốc. Thực tế là từ sau khi Moscow bị Mỹ và phương Tây cấm vận xuất khẩu dầu khí sang khu vực này và những nỗ lực hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập một trung tâm khí đốt chung ở nước này để tiếp tục đưa khí đốt Nga tới các khách hàng Tây Âu như trước vẫn chưa có nhiều tiến triển, bên cạnh việc tăng cường bán khí đốt cho Ấn Độ, việc tìm được khách hàng mới cho mặt hàng này, ví dụ Trung Quốc, có tầm quan trọng vừa cấp bách, vừa chiến lược đối với Nga.
Hiện tại, giữa Nga và Trung Quốc đã có đường ống "Sức mạnh Siberia 1" dài 3.000km dự kiến đến năm 2027 đạt công suất tối đa đưa sang Trung Quốc 38 tỷ m3 khí mỗi năm. Nhưng chừng đó là quá nhỏ bé so với khả năng và yêu cầu xuất khẩu khí đốt hiện nay của Nga (để bù lại khối lượng khí đã xuất sang Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây và từng đạt mức kỷ lục 200 tỷ m3 vào năm 2018).
Chính vì thế, khi đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Moscow tháng 3/2023, Tổng thống Putin đã chính thức đề xuất hai nước hợp tác xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia 2" với công suất 50 tỷ m3 khí mỗi năm. Dù đã có sự nhất trí chung, nhưng "thỏa thuận thế kỳ" này, theo báo chí Trung Quốc đã ca ngợi, nhẽ ra được khởi công trong năm 2024, đến nay hai bên vẫn chưa thống nhất được về giá cả và tổng khối lượng khí đốt Nga sẽ xuất sang Trung Quốc.
Thực tế là do Nga đang ở thế rất cần khách hàng mới cho khí đốt của mình (theo một số đánh giá, Gazprom hiện đang lỗ mỗi năm gần một chục tỷ USD bởi ảnh hưởng của cấm vận xuất khẩu khí đốt do Mỹ và Phương Tây áp đặt). Có thông tin nói rằng Trung Quốc có thể đã đưa ra những điều kiện khó khăn như muốn Nga phải bán với giá bằng bán trên thị trường nội địa là mức thấp hơn cả ở trong hợp đồng tại "Sức mạnh Siberia 1". Không chỉ vậy, khó khăn còn đến từ phía Ulaanbaatar do chính phủ nước này còn muốn thông qua dự án này, Mông Cổ được phía Nga dành cho thêm những ưu đãi đặc biệt liên quan đến giá và tổng mức khí đốt dành cho Mông Cổ.
Tuy cho đến nay chưa có thông tin chi tiết về thỏa thuận (nếu có) với yêu cầu nói trên của phía Mông Cổ, nhưng việc ông Putin ngay trước chuyến đi đã nói với báo Onoodor của Mông Cổ rằng Moscow đang cân nhắc cung cấp gấp đôi khí đốt giá rẻ cho Mông Cổ nếu đường ống "Sức mạnh Siberia 2" được xây dựng cho thấy Nga đang rất cần và đã sẵn sàng nỗ lực đáp ứng yêu cầu của phía Mông Cổ để khai thông dự án hết sức quan trọng này.
Thứ ba, cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là qua chuyến thăm Moscow muốn thể hiện lập trường không khuất phục trước Tòa hình sự quốc tế (ICC) và những thế lực đối đầu Nga. Mặc dù ngay từ đầu Nga đã thẳng thừng bác bỏ thẩm quyền và hiệu lực của ICC trong việc bắt các quan chức Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có cả Tổng thống Putin, đây là lần đầu tiên ông Putin đến thăm một nước thành viên ICC mà "không có gì phải lo lắng" như ông Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin nói ngay trước chuyến thăm.
Thực tế là thay vì bị bắt như ICC yêu cầu và Ukraine công khai mong muốn, ông Putin đã được Mông Cổ trải thảm đỏ nghênh đón cùng những nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho nguyên thủ nước ngoài đến thăm. Nước chủ nhà Mông Cổ cũng đã có giải thích rõ ràng về quyết định đón Tổng thống Putin và không e ngại trước những cảnh báo của ICC và nhất là của Ukraine.
Ngay sau khi chuyến thăm kết thúc, phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev đã nói, lệnh bắt giữ của ICC đối với Tổng thống Putin cuối cùng chỉ là "một tờ giấy vụn vô nghĩa". Không chỉ vậy, ông Medvedev còn đi xa hơn nữa khi cảnh báo: "Việc thi hành quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một chính phủ cụ thể có thể là một lời tuyên chiến". Đây có lẽ cũng chính là điều chính quyền của Tổng thống Putin muốn nhắn gửi tới Mỹ và phương Tây khi quyết định tới Ulaanbaatar ở thời điểm này.
Chuyến thăm của ông Putin còn vừa thể hiện mong muốn của Moscow trong việc tăng cường củng cố và tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với một nước bạn bè truyền thống đặc biệt như Mông Cổ, vừa chứng tỏ quyết tâm nỗ lực tháo gỡ những khó khăn trong dự án mang ý nghĩa chiến lược với nước Nga hôm nay - đường ống dẫn khí đốt thứ hai từ bán đảo Yamal của Nga tới Trung Quốc qua Mông Cổ mang tên "Sức mạnh Siberia 2". Tuy nhiên, việc dự án này chưa được khởi công như dự kiến và dù đã phớt lờ lệnh bắt giữ của ICC để đích thân đến Ulaanbaatar nhưng ông Putin vẫn chưa khai thông được tất cả những vướng mắc, trở ngại liên quan đến siêu dự án này chứng tỏ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Nga với Mông Cổ nói riêng và với Trung Quốc nói chung vẫn còn những hạn chế nhất định chưa dễ vượt qua.
Đăng thảo luận