Là một 8X xuất thân từ gia đình nghèo, bằng đại học giúp tôi mua được căn chung cư Sài Gòn sau 10 năm, trả hết nợ cho gia đình.
Tôi thấy lạ khi đến giờ vẫn còn nhiều người tranh cãi về vấn đề học đại học. Ai cảm thấy học đại học là lãng phí, có thể cho con em mình nghỉ học sớm, hoặc đi học nghề, thay vì học lên đại học. Còn tôi chắc chắn vẫn định hướng cho con cháu đời sau của mình học đại học.
Phải đến gần 40 tuổi, tôi mới nhận thức rõ được giá trị của cái tấm bằng đại học, dù có đi làm công, hay làm chủ đi chăng nữa, sẽ không ai coi thường tấm bằng đại học cả. Đại học là đào tạo tư duy làm việc, không phải đào tạo nghề, nên theo tôi, ai cũng cần phải được đào tạo qua lớp đại học. Nó sẽ giúp một đứa trẻ 18 tuổi, sau bốn năm học hành, có tư duy tốt để bước vào đời, và sau đó tiếp tục học tập trong quá trình làm việc.
Đất nước càng phát triển, tỷ lệ học đại học càng cao, đó là thống kê minh chứng, tại sao phải học. Cụ thể, top 10 quốc gia có học vấn cao nhất thế giới (theo OECD 2018) là: Canada, Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Australia, Phần Lan, Na Uy, Luxembourg. Nói chung, học chính là nền tảng cho bất kì một xã hội nào. Muốn Việt Nam phát triển, chúng ta cần phải hiếu học, để tạo ra những con người giỏi, đóng góp cho đất nước.
Hãy nhìn những nước đi lên từ sau thế chiến II, với xuất phát điểm giống chúng ta, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... họ đều coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Còn vấn đề làm sao tất cả người dân được tiếp cận giáo dục bậc cao, đó là câu hỏi cần cả xã hội và nhà nước chung tay trả lời.
Năm 2022, theo cục thống kê Mỹ, thu nhập bình quân người có bằng cử nhân cao hơn 56,6% so với người có bằng cao đẳng, người có bằng cao đẳng cao hơn 14.6% so với người có bằng trung học, và người có bằng trung học cao hơn 25% so với lao động phổ thông.
>> Tôi lời to với 'thương vụ đầu tư' cho hai con học đại học
Còn theo Tổng cục thống kê Việt Nam, tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng năm 2023 là 28.6%, thuộc nhóm thấp của ĐNA, và chỉ bằng một nửa bình quân thế giới. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học ở Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 11,1%, mức rất thấp so với các quốc gia top đầu ĐNA. Và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu tỷ lệ này không tăng lên trong những thập niên tới, Việt Nam sẽ không thể bắt nhịp được cuộc cách mạng 4.0, để giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Đối với tôi, một 8X đời cuối, xuất thân từ một gia đình nghèo, tôi hiểu rõ hơn ai hết giá trị của tấm bằng đại học. Gia đình và bản thân tôi đã phải vay mượn tiền để đi học, để cho tôi có được tấm bằng cử nhân, trong khi hồi đó bạn bè cùng quê tới 80-90% bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp hai, cấp ba. Sau 10 năm, tôi đã mua được căn chung cư ở Sài Gòn, giúp gia đình trả nợ, và đón bố mẹ vào sống cùng.
Đối với tôi, tấm bằng đại học là bước ngoặt cực kỳ quan trọng, để giúp tôi mở được cánh cửa đến với công việc tốt, môi trường tốt, bước vào những mối quan hệ chất lượng. Trừ khi không đủ tiền đi học, hoặc không học nổi thì có thể chọn con đường khác, còn những bạn trẻ nằm ngoài trường hợp trên, theo tôi nên gắng sức học hành đến cùng, chỉ có tri thức mới giúp đất nước đang phát triển như Việt Nam hóa rồng được.
Đừng suy nghĩ ngây ngô bào chữa cho việc không học hành đàng hoàng. Xã hội này được vận hành nhờ những người có bằng cấp. Hãy xem trình độ học vấn của các lãnh đạo tập đoàn lớn, tỷ lệ bao nhiêu là không có cái bằng cử nhân, chưa nói tới tiến sĩ, giáo sư? Tất cả tiện nghi, tiện ích của xã hội hiện đại, đều tới từ nghiên cứu, hiện thực hóa của hàng ngàn kĩ sư, nhà khoa học... Nên các bạn hãy bớt hạ thấp giá trị của việc học tập và bằng cấp đi, như vậy là giúp ích cho tương lai của Việt Nam lắm rồi.
- Em sinh viên của tôi bỏ học để xuất khẩu lao động Đài Loan
- Tôi không để con chọn đại học theo ý thích rồi về báo nợ tiền tỷ
- Học đại học trái ngành vẫn 'đè bẹp' người không bằng cấp
- Tôi không có tiền vẫn quyết vào đại học
- Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
- 'Kỹ sư sáu năm ra trường nhưng lương bằng người bỏ học'
Đăng thảo luận