Dự án vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ có quy mô rất lớn, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-2024.

5 tỉnh phải tập trung tối đa để trình Quốc hội dự án đường bộ lớn nhất Đông Nam Bộ  第1张

Tuyến đường vành đai 4 TP.HCM (màu xanh) dài 207km - Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM. Con đường vành đai đi qua 5 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất lớn. Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM. 

Dự án này cũng được Thủ tướng, các Phó thủ tướng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo.

Theo phương án trước đây, các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các đoạn qua địa bàn. Phương án đề xuất hiện nay là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành một dự án tổng thể để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp UBND TP.HCM và các địa phương liên quan bổ sung thêm thông tin rõ hơn về ưu điểm, tính khả thi triển khai thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. 

  • 5 tỉnh phải tập trung tối đa để trình Quốc hội dự án đường bộ lớn nhất Đông Nam Bộ  第2张

    Phấn đấu khởi công 3 cao tốc vùng Đông Nam Bộ vào đầu năm 2025ĐỌC NGAY

Về tiến độ, Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10-2024. 

UBND TP.HCM cùng UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cần tập trung tối đa nguồn lực để triển khai mới có thể đáp ứng tiến độ. 

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương liên quan rà soát, xây dựng lại kế hoạch triển khai. 

Trong đó, cần tham khảo thêm tiến độ thực tế khi triển khai các dự án trong thời gian vừa qua (cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Dầu Giây - Tân Phú) và thời gian thực hiện thủ tục thẩm tra theo quy định tại khoản 1 điều 21 Luật Đầu tư công để chuẩn xác tiến độ báo cáo Thủ tướng, bảo đảm có tính khả thi và phù hợp thực tế.

Đây là dự án có kinh phí đầu tư rất lớn nên việc kết hợp ngân sách trung ương cùng ngân sách địa phương để triển khai đầu tư dự án là cần thiết, đặc biệt trong điều kiện ngân sách một số địa phương có dự án đi qua còn có khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án với tỉ lệ phù hợp và khả năng cân đối nguồn lực, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2024.

Dự án nối 5 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ hơn 136.000 tỉ đồng

Tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, UBND TP.HCM cho biết đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 207km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 136.593 tỉ đồng. Đây là dự án đường bộ lớn nhất tại Đông Nam Bộ từ trước tới nay.

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến.

Tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên sẽ được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.