BV Chợ Rẫy làm điều "lần đầu tiên ở Việt Nam" cứu bệnh nhân ung thư hạch

(Dân trí) - Ngày 27/9, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây thực hiện 2 kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loài và xạ trị toàn thân (TBI) điều trị thành công cho 1 bệnh nhân ung thư hạch.

Bệnh nhân là chị N.H.O. (46 tuổi ngụ Bình Dương). Trước đó vào tháng 7/2022, chị O. vào Bệnh viện Chợ Rẫy với khối u vùng hạ vị, chẩn đoán u lympo không Hodgkin vỏ nang tái phát (ung thư hạch).

Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân phát hiện ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma) vào năm 2017. Quá trình điều trị sau đó, bệnh nhân được hóa trị đơn thuần và xảy ra nhiều lần tái phát. Năm 2021 khi bệnh tái phát lần 3, liệu pháp điều trị cũ không còn đáp ứng nữa.

BV Chợ Rẫy làm điều "lần đầu tiên ở Việt Nam" cứu bệnh nhân ung thư hạch  第1张

Chị N.H.O. thời điểm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp rất khó, khi ung thư hạch đã nhiều lần tái phát và kháng trị, đồng thời bệnh nhân đang mang khối u rất lớn.

Sau hội chẩn, ekip điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh. Đó là ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI).

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, nếu muốn xử lý triệt để các tế bào ung thư, trước tiên, bệnh nhân cần được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư.

Sau đó, TBI giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được (chữa khỏi) ổn định. May mắn là chị ruột của bệnh nhân khỏe mạnh, có các chỉ số HLA phù hợp 100%, nên đã tặng tế bào máu gốc của mình cho em gái.

BV Chợ Rẫy làm điều "lần đầu tiên ở Việt Nam" cứu bệnh nhân ung thư hạch  第2张

Bệnh nhân O. thời điểm thực hiện xạ trị toàn thân (Ảnh: BV).

Bệnh nhân O. đã được áp dụng phác đồ điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần. Quá trình này, ngoài vấn đề điều trị chuyên môn còn có sự phối hợp của bảo vệ, bộ phận quản lý thang máy.

Bệnh nhân được 1 điều dưỡng chuyên trách đưa vào thang máy, xử lý các vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, để quá trình làm xạ trị an toàn nhất.

Sau điều trị TBI, bệnh nhân được theo dõi và triển khai ghép tế bào gốc đồng loài. 45 ngày sau ghép, bệnh nhân được xuất viện. Đến nay sau 5 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và trở lại cuộc sống bình thường.

BV Chợ Rẫy làm điều "lần đầu tiên ở Việt Nam" cứu bệnh nhân ung thư hạch  第3张

Sau 5 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, sinh hoạt bình thường (Ảnh: BV).

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, việc phối hợp đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu của nơi này đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư, vì phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn…

Trường hợp trên cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện công lập thực hiện thành công đồng thời 2 kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loài và xạ trị toàn thân để điều trị cho bệnh nhân ung thư hạch.

Bác sĩ Thức hy vọng, trong tương lai sẽ có sự kết hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy với các bệnh viện huyết học, để tăng cường hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân bệnh ung thư máu, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

TBI (total body irradiation, xạ trị toàn cơ thể) là phương pháp có từ năm 1900 trên thế giới, chỉ định trong điều trị ung thư từ 1950. TBI được chỉ định điều trị cho một số bệnh lý ung thư mang tính chất lan tỏa toàn thân như ung thư về hệ thống huyết học, bạch cầu cấp  hoặc là lymphoma có di căn hạch nhiều nơi.

Với ưu điểm là xạ trị ở tất cả các vị trí trong cơ thể nhằm kiểm soát các tế bào của bệnh ung thư, TBI góp phần khắc phục một số nhược điểm của hóa trị kinh điển.

Với ghép tế bào gốc, có 2 phương pháp là tự ghép (lấy tế bào gốc của chính bệnh nhân đó truyền lại cho chính bệnh nhân đó sau khi hóa trị) và dị ghép (còn gọi là ghép đồng loài).

Vì bệnh nhân H.O tái phát kháng trị nên không thể lấy tế bào gốc của bệnh nhân vì trong máu bệnh nhân còn tế bào ung thư. Do đó, bắt buộc phải áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài.