Biến chứng đặt túi ngực ngày càng giảm thiểu theo sự tiến bộ y khoa, song vẫn tồn tại nguy cơ chảy máu, co thắt bao xơ, nhiễm trùng, túi xê lệch ảnh hưởng dáng ngực, vỡ túi ngực.
"Tình huống hay gặp nhất là túi ngực di chuyển, thay đổi vị trí, có thể chạy lên hoặc chạy xuống, qua trái hoặc qua phải, gây mất cân đối, do đặt túi không đúng chỉ định, chọn kích cỡ không phù hợp, phẫu thuật viên bóc tách quá mức...", PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và trường ĐH Y dược TP HCM, nói tại chương trình đào tạo y khoa, ngày 18/9.
Theo phó giáo sư Liêm, biến chứng co thắt bao xơ có thể xảy ra nhưng không đáng kể, là phản ứng tự nhiên khi có vật thể lạ là túi ngực đặt vào bên trong cơ thể. Tình trạng này có nguy cơ làm đau tức ngực, biến dạng, thậm chí vỡ túi ngực. Trước đây, các báo cáo ghi nhận nhiều bệnh nhân sau mổ đặt túi ngực của nhà sản xuất Allergan mắc ung thư hạch. Túi này đã bị thu hồi, công ty cũng đền bù thiệt hại trên toàn cầu, sau đó phá sản.
BS.CK1 Đỗ Quang Khải, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Thẩm mỹ Nam An, cho biết tiếp nhận một số bệnh nhân mắc "bệnh đặt túi độn vú" sau mổ nâng ngực. Những người này có triệu chứng mệt mỏi, đau ngực, rụng tóc, khó ngủ, stress, giảm chất lượng sống, trong khi các kiểm tra cho thấy túi độn không có bất thường. Bệnh có liên quan yếu tố tâm lý, tâm thần sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân không chịu đựng nổi, bác sĩ buộc phải mổ tháo túi.
Túi độn ngực được khuyên thay mới sau 10 hoặc 15 năm tùy từng loại túi, để đảm bảo an toàn. Túi có thể bị rách, vỡ sau thời gian sử dụng, đòi hỏi bệnh nhân nên thăm khám, kiểm tra định kỳ.
Tùy cấu trúc cơ thể, nhu cầu của từng người, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp về phương pháp nâng ngực. Chẳng hạn, người nâng ngực muốn bảo tồn tuyến vú để cho con bú sau này, bác sĩ sẽ cân nhắc chọn đường mổ cắt nếp dưới vú cũng như kích thước túi ngực phù hợp. Người có vòng một không quá chảy xệ, mong muốn hồi phục nhanh, tránh sẹo lớn, có thể chọn nâng ngực nội soi.
Tùy cấu trúc cơ thể, nhu cầu từng người, bác sĩ sẽ có chỉ định đặt túi ngực phù hợp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Khải khuyến cáo thời gian đầu sau mổ nâng ngực, nên kiêng cử về chế độ ăn uống, vận động để rút ngắn thời gian hồi phục vết thương, tránh các biến chứng, hạn chế sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Cụ thể, nên kiêng thịt bò và rau muống vì chúng có khả năng gây sẹo lồi, mất thẩm mỹ. Kiêng hải sản và thịt gà để tránh ngứa tại vết thương, làm chậm quá trình phục hồi. Các loại thức ăn từ nếp có thể gây mưng mủ, nhiễm trùng làm vết thương khó lành. Các loại chất kích thích cũng làm vết thương lâu lành, kỵ với những loại thuốc được bác sĩ chỉ định.
Tuần đầu tiên, nên hoạt động nhẹ nhàng, tuyệt đối không tác động mạnh đến vùng ngực. Khoảng sau một tháng, dáng ngực dần ổn định, có thể tham gia các hoạt động, sinh hoạt như thường ngày. Tránh tham gia các hoạt động thể thao mạnh trong khoảng 3 tháng đầu. Kiêng các hoạt động quan hệ vợ chồng trong khoảng 1-3 tháng đầu.
Người phẫu thuật đặt túi ngực nên chọn bác sĩ có kinh nghiệm tại địa điểm phẫu thuật an toàn, chọn loại túi ngực phù hợp của nhà phân phối uy tín, an toàn. Khi có triệu chứng bất thường, cần đến bác sĩ kiểm tra để có hướng xử trí kịp thời.
Lê Phương
Đăng thảo luận