BẤT ĐỘNG SẢN
Biệt thự tân cổ điển cũ kỹ "biến hình" hiện đại và xanh mướt sau cải tạo
21/05/2024 - 07:18(Dân trí) - Dự án này là một ví dụ về việc cải tạo kiến trúc biệt thự tân cổ điển - loại hình biệt thự phổ biến nhất tại các đô thị Việt Nam.
Villa-D15 là biệt thự cũ nằm ở phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc tân cổ điển nhưng đã xuống cấp theo thời gian. Mặc dù đã được qua sửa chữa, cải tạo, ngôi nhà vẫn mang lại cảm giác cũ kỹ, hình thức nặng nề, cồng kềnh.
Dự án này là một ví dụ về việc cải tạo cho dạng biệt thự tân cổ điển - loại hình biệt thự phổ biến nhất tại các đô thị Việt Nam. Phong cách trên được ưa chuộng do hình thức bề thế, phô trương. Tuy nhiên về mặt công năng, kiểu kiến trúc này không phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, không đầy đủ các yếu tố về chiếu sáng, thông gió tự nhiên.
Ngôi nhà sau khi được cải tạo có diện mạo mới theo hướng hiện đại và thích nghi với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng đặc trưng.
Với mục tiêu mang đến lối kiến trúc đương đại, tối giản, mọi chi tiết trang trí cổ điển cũ đều được loại bỏ.
Cấu trúc của ngôi nhà gần như được giữ nguyên, kiến trúc sư chỉ sử dụng chỉnh sửa lại các chi tiết bên ngoài.
Một bể cá nhỏ được đặt trước phòng khách vừa đảm bảo yếu tố phong thủy vừa giúp tạo không gian thư giãn.
Hệ thống cửa chính được giữ nguyên và tái sử dụng hoàn toàn. Nhóm kiến trúc chỉ bổ sung thêm mái vòm cho cửa chính và mái che cho cửa sổ.
Mái che giúp giảm bức xạ mặt trời và hạn chế hắt mưa vào bên trong.
Mặt tiền ngôi nhà được phủ xanh bằng cây cảnh và dàn cúc tần rủ xuống như một tấm rèm tự nhiên. Những chậu cây nhỏ ngoài cửa sổ giúp ngôi nhà xanh hơn, đồng thời cũng giảm bụi và góp phần giảm bức xạ mặt trời.
Trong kiến trúc cũ, sân thượng ngôi nhà không có mái che. Điều này khiến cho sân thượng luôn nóng bức, ngột ngạt. Kiến trúc sư cải tạo bằng cách thêm mái che lớn kết hợp với cây xanh tạo nên khu vườn xanh mát. Sân thượng biến thành nơi thư giãn cho cả gia đình.
Hệ thống mái che và sân vườn này còn làm giảm nhiệt lượng trên bề mặt sàn. Cách làm này các phòng ngủ ở tầng dưới mát mẻ hơn đồng thời giúp chống thấm nước.
Hệ thống cây xanh và hồ cá tạo nên hệ sinh thái sống động, tăng cường cảnh quan cho ngôi nhà và góp phần tạo mảng xanh chung cho đô thị.
Hệ thống đèn chiếu sáng màu vàng tạo cảm giác ấm cúng cho căn nhà.
Cửa kính giúp mở rộng không gian đồng thời tạo cảm giác nhẹ nhàng cho căn nhà.
Bản vẽ cải tạo tầng 1 của căn biệt thự.
Ảnh: Architizer.
Đăng thảo luận