Bát nháo rao bán chung cư ở Hà Nội: Một căn nhà nhưng nhiều giá
(Dân trí) - Cùng một căn chung cư nhưng môi giới đưa ra nhiều mức giá chênh lệch khác nhau khiến người mua nhà như rơi vào "mê cung giá".
Loạn giá rao bán nhà
Thời gian qua giá rao bán chung cư tại Hà Nội liên tục tăng mạnh. Song các thông tin khiến nhiều người mua nhà càng hoang mang hơn khi môi giới tự điều chỉnh giá bán. Theo đó, khó nhận biết đâu là mức giá thật của căn nhà.
Một căn chung cư diện tích 89m2 có 3 phòng ngủ tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang được nhiều môi giới rao bán với mức giá từ 4,3 đến 4,37 tỷ đồng. Như vậy, giữa mức giá môi giới rao bán cao nhất và thấp nhất chênh nhau 70 triệu đồng/m2.
Một môi giới tên Hương tại Hà Nội nói, chủ ra giá căn chung cư trên là 4,37 tỷ đồng, nhưng chị tự hạ giá xuống 4,35 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thiện chí, người mua có thể thương lượng thêm để được giảm từ 50 đến 100 triệu đồng. Hiện căn chung cư sẵn sổ đỏ "cất két" chỉ chờ có chủ mới để sang tên.
Một căn chung cư nhưng được rao bán nhiều mức giá khác nhau (ảnh chụp màn hình).
Hay chị Khánh Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, gia đình chị đang có nhu cầu mua một căn chung cư 2 phòng ngủ. Đầu tháng 9, chị ngắm được một căn chung cư diện tích 79,4m2 có 2 phòng ngủ tại Thanh Xuân. Môi giới báo giá căn hộ này là 5,4 tỷ đồng, tương đương 68 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, chị lại được môi giới khác chào đúng căn chung cư đó với mức giá 5,1 tỷ đồng, thấp hơn 300 triệu đồng so với môi giới trước đó báo giá. "Càng tìm hiểu tôi càng như lạc vào mê cung giá chung cư. Nên tôi cũng do dự chưa xuống mua vì không biết mức giá 5,1 tỷ đồng đã là chính xác chưa", chị Linh nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Trường Giang - chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội - cho biết việc một căn nhà được rao bán nhiều mức giá chênh lệch khác nhau trước nay không hiếm trên thị trường. Nguyên nhân là nhiều môi giới đã hợp đồng trước với chủ nhà về giá thu về.
Còn môi giới sẽ tự rao bán theo giá của họ. Thậm chí, môi giới còn tăng giá cao vọt lên để đến khi thương lượng sẽ bớt xuống đánh vào tâm lý người mua được giảm nhiều sẽ xuống tiền ngay. Do đó, người mua nhà bất kỳ trong thời điểm nào cũng cần kiểm tra kỹ giá từ các nguồn tin cậy mới nên xuống tiền.
Chấn chỉnh hoạt động tung tin đồn thổi
Dữ liệu nghiên cứu mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, Việt Nam có khoảng 100.000 cá nhân môi giới đang hoạt động, làm việc chính thức tại các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Một khu chung cư tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).
Hầu hết môi giới là các cá nhân hành nghề tự do, "tay ngang", nghề "tay trái", không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào.
Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch được diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ "thổi giá" nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường. Hậu quả gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính…
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai, nhà ở... và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Dù thế, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương. Một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.
Đặc biệt, tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân.
Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Đăng thảo luận