Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động; xã hội bền vững và chính quyền kiến tạo trong Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham gia sự kiện có nhiều lãnh đạo Bộ ngành, tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành lân cận cùng hơn 1.000 đại biểu là doanh nghiệp, người dân của tỉnh tham gia.

Bình Dương ưu tiên 'ba xây' trong quy hoạch đến 2050  第1张

Thủ tướng trao quyết định cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương sáng 26/9. Ảnh: Đức Đồng

Lãnh đạo Bình Dương cho biết với quy hoạch này, tỉnh mang trong mình tâm thế sẵn sàng khởi động giai đoạn phát triển mới với nhiều định hướng đầy khát vọng cho một địa phương giàu có, văn minh, nghĩa tình, là mảnh ghép gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương còn lại, cũng như lan tỏa sự phát triển không chỉ cho riêng tỉnh nhà.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 của Bình Dương dự kiến đạt khoảng 10% một năm, trong đó GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 15.800 USD, dân số 4,04 triệu người.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tầm nhìn chiến lược, dài hạn phát triển Bình Dương và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bình Dương ưu tiên 'ba xây' trong quy hoạch đến 2050  第2张

Thủ tướng tam quan Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024 tại Trung tâm WTC Bình Dương. Ảnh: Phước Tuấn

Với những tiềm năng cùa tỉnh, Thủ tướng cho rằng đang có xu thế lớn trong dịch chuyển lao động về Bình Dương khi diện tích của tỉnh không lớn (xếp thứ 44/63 cả nước) nhưng dân số trên 2,82 triệu người (đứng thứ 6/63), lực lượng lao động chiếm 64% dân số (trong khi bình quân cả nước là 53%).

"Bình Dương năng động, sáng tạo, là động lực phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", ông Chính nói.

Bình Dương là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tính cuối tháng 8/2024, có hơn 4,3 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 (sau TPHCM và Hà Nội).

Cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thứ 2 cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 là sản phẩm kết tinh giá trị, truyền thống văn hóa lịch sử của quá khứ, hiện tại và tương lai, của kế thừa, đổi mới và phát triển.

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, ông Chính hoan nghênh "ba xây dựng" của tỉnh Bình Dương gồm: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính.

Cùng với đó là ba tiên phong trong kết nối nền kinh tế với vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh hóa, số hóa; chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, số hóa, xanh hóa kinh tế để phát triển nhanh, bền vững; tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, công nghệ cao, thông minh, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Dương phải cùng các địa phương và Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ môi trường xin cho, tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.

"Tỉnh phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần: dân biết - dân bàn - dân làm - dân thụ hưởng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nói.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai dự án huyết mạch này. Tham quan Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024 với hơn 400 gian hàng của hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia.

Phước Tuấn