Hàng loạt con bò sữa đắt tiền ở vùng nuôi lớn nhất Lâm Đồng chết bất thường sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
Người dân chở bò sữa chết đi tiêu hủy - Ảnh: M.V.
Ngày 7-8, nỗi lo lắng vẫn tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng nuôi bò sữa tại thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), khi hàng loạt con bò chết bất thường sau tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
Dừng tiêm vắc xin, tìm nguyên nhân đàn bò sữa đắt tiền chết bất thường
Bò sữa chết sau tiêm vắc xin
Có mặt tại thôn Bồng Lai, chúng tôi ghi nhận những hình ảnh nhiều con bò đang hấp hối, bỏ ăn, tiêu chảy ra máu và cuối cùng là tử vong.
Anh Trần Đình Cương cho biết: “Gia đình tôi nuôi bò sữa hơn 10 năm rồi, lần đầu tiên đàn bò chúng tôi gặp phải tình trạng thế này”.
Người dân bức xúc vì sau tiêm vắc xin, đàn bò sữa đắt tiền bỗng dưng đổ bệnh nặng - Ảnh: M.V.
Theo người nuôi, loại vắc xin đã tiêm để phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò trong thời gian qua là NAVET-LPVAC.
Đã có trang trại bò sữa Việt Nam cho lượng sữa bằng bò nuôi tại MỹĐỌC NGAY
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết ngày 24-7, đàn bò của gia đình bà được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
"Sau khi tiêm vắc xin 7 ngày, đàn bò của tôi vẫn ăn bình thường nhưng bị tụt sữa, 3 ngày tiếp theo thì xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu rồi chết.
Nhà tôi nuôi 17 con bò, có 2 con đã chết, 1 con đang rất yếu. Trước khi tiêm vắc xin thì bò khỏe mạnh, không có dấu hiệu gì" - bà Loan xót xa.
Cách nhà bà Loan không xa là chuồng bò sữa của gia đình bà Lê Thị Ánh Hồng. Chồng bà Hồng xót của nên chở con bò sữa vừa chết lên UBND xã Hiệp Thạnh để làm bằng chứng và yêu cầu cơ quan chức năng sớm kiểm tra và có câu trả lời cho gia đình, người dân.
Bà Hồng chua xót nói: "Bây giờ chúng tôi cũng chưa biết sẽ đưa những con bò chết này đi tiêu hủy ở đâu".
Vùng nuôi bò sữa lớn nhất Lâm Đồng thiệt hại lớn
Tại nhà bà Hồng còn 1 con bò xuất huyết hậu môn, kiệt sức nằm bệt dưới nền đất, mắt lừ đừ.
“Điều gia đình tôi lo lắng hơn nữa là những con còn lại trong chuồng cũng đang có triệu chứng bất thường như những con đã chết. Đàn bò sữa là tài sản lớn của gia đình chúng tôi”, gương mặt bà Hồng lộ rõ vẻ bất an, lo lắng.
Những con bò sữa còn sống thì sức khỏe càng lúc càng yếu - Ảnh: M.V.
Bà Hồng cho biết thêm đàn bò của gia đình bà có 28 con. Vừa qua được địa phương tiêm vắc xin 26 con, còn 2 con bê nhỏ không tiêm.
Trong khi 2 con bê con không có triệu chứng gì, thì 26 con bò sữa lớn lại xuất hiện tình trạng tụt sữa sau 3 - 4 ngày tiêm vắc xin, vài ngày tiếp theo thì bò bỏ ăn, tiêu chảy ra máu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn thôn Bồng Lai có 146 hộ nuôi với tổng đàn bò gần 3.500 con. Trong đó đàn bò sữa hơn 2.800 con.
Hiện tại hơn 80% hộ nuôi bò trên địa bàn thôn đã tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Người dân lo lắng về số phận của những con bò còn lại. Thiệt hại kinh tế mà họ phải gánh chịu là rất lớn, vì mỗi con bò đang cho sữa được bán với giá khoảng 50 triệu đồng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng. Hiện cơ quan chức năng đã tạm dừng tiêm vắc xin cho đàn bò sữa tại 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương để làm rõ vụ việc. Đồng thời hướng dẫn người dân một số biện pháp để điều trị bệnh đường ruột cho bò.
Tổng đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng (gồm của người dân và doanh nghiệp) là trên 25.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Đến nay 2 huyện này đã có trên 60 con bò bị chết, trên 2.000 con bò xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu, tụt sữa.
Chưa thể khẳng định bò chết do vắc xin
Ông Phạm Phi Long - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) - cho biết qua kiểm tra các đàn bò bị bệnh thì đều xuất hiện chung 1 triệu chứng tiêu chảy, tiêu chảy ra máu, bò không ăn, sốt cao rồi chết.
Chi cục là cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân bổ sung các loại thức ăn như rơm khô, cỏ khô, khoáng, vitamin khi bò bị tiêu chảy.
"Bệnh tiêu chảy này cũng đã xảy ra trên địa bàn cách đây khoảng 1 tháng. Việc bò sữa xuất hiện các triệu chứng trên rồi chết sau khi tiêm vắc xin thì đã ghi nhận. Tuy nhiên nói nguyên nhân do tiêm vắc xin thì chưa thể khẳng định. Chúng tôi đang xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng đáng lo ngại này” - ông Long trao đổi.
Đăng thảo luận