Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật
Mới đây, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long công bố nguyên nhân hàng trăm công nhân ở Công ty TNHH BoHsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) nhập viện sau bữa cơm công đoàn là do nhiễm khuẩn bacillus cereus, E.Coli, salmonella spp.
Tổng số 1.500 phần ăn cho 1.500 đoàn viên, người lao động tại Công ty BoHsing gồm: 1.374 phần mặn và 126 phần chay và các món tráng miệng. Sau khi ăn, có nhiều công nhân có triệu chứng chóng mặt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Theo thống kê, số người bị ngộ độc thực phẩm là 287 ca, trong đó nhập viện 221 ca.
Ngành y tế Hà Nội kiểm tra, truy xuất nguồn gốc bếp ăn khu công nghiệp tại Hà Nội.Nguồn thức ăn gây ngộ độc thực phẩm do công ty tự chế biến và một số món do hộ kinh doanh Hồng Phát (xã Phú Quới, huyện Long Hồ) chế biến. Các món thức ăn gồm ngô xào củ cải thịt nạc; đậu hũ rán; ngô xào chay; đùi gà chiên nước mắm; thịt lợn xào đậu, cà rốt; rau xà lách, dưa leo, cà chua; trái cây (táo, chuối).
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 7/14 mẫu thức ăn có chứa các vi sinh vật bacillus cereus, E.Coli, salmonella spp, là nguyên nhân gây ngộ độc.
Cụ thể, có 2 loại vi khuẩn bacillus cereus và E.Coli trong ngô xào củ cải thịt nạc, đậu hũ rán, ngô xào chay do Công ty BoHsing chế biến và món đùi gà chiên nước mắm, rau xà lách, dưa leo, cà chua, trái cây do hộ kinh doanh Hồng Phát chế biến. Riêng mẫu thức ăn của món thịt lợn xào đậu, cà rốt phát hiện có cả ba loại vi khuẩn bacillus cereus, E.Coli và salmonella spp.
Tương tự, liên quan đến vụ việc 367 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà tại quán Trâm Anh ở Nha Trang, cơ quan chức năng xác định vi khuẩn salmonella spp, bacillus cereus, staphylococcus aureus là tác nhân gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho biết, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay, có nhiều vụ có liên quan đến vi sinh vật. Đặc biệt, nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn thời gian gần đây được xác định do vi sinh vật salmonella, vi khuẩn bacillus Cereus.
Thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đã dẫn tới các vụ ngộ độc.
Phòng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật; hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản… và độc tố (chất độc tự nhiên) thì nhóm vi sinh vật là nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất.
TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, khi nhiễm khuẩn salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra, xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội.Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm tiêu chảy; đau quặn bụng; sốt; buồn nôn; nôn mửa; ớn lạnh; đau đầu; xuất hiện máu trong phân.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bacillus cereus là một loại vi khuẩn gram dương kỵ khí dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm. Đặc biệt, loài vi khuẩn này có thể nhanh chóng nhân lên ở nhiệt độ phòng.
Khi bị nhiễm khuẩn bacillus cereus, nạn nhân có thể bị nôn ói với thời gian ủ bệnh ngắn, hay tiêu chảy có thời gian ủ bệnh dài hơn từ 8 -16 giờ.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, vi khuẩn bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất, nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.
Thực phẩm càng bẩn, bảo quản và chế biến không tốt thì càng dễ ngộ độc. Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu...
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử.
Người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm; đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm cần điều kiện bảo quản lạnh, lạnh đông. Bên cạnh đó, mỗi gia đình thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm; rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, với thực phẩm chế biến sẵn, phải kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua; không mua loại đã hết hạn sử dụng. Đặc biệt lưu ý, nếu phía bên ngoài của đồ hộp bị móp méo, gỉ sắt... thì dù còn hạn sử dụng cũng không nên mua vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt.
Nếu vỏ hộp có hiện tượng bị phồng lên thì phải cảnh giác vì có khả năng bị hư hỏng do nhiễm độc vi khuẩn clostridium botulinum, nếu ăn rất dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, người dân không sử dụng các thức ăn quá hạn, thức ăn ôi thiu; chỉ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa đã được tiệt trùng; không sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa đã hết hạn sử dụng. Thực phẩm chế biến sẵn nên kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua…
Đăng thảo luận