‘Người dân Việt Nam rất thân thiện, có tổ chức và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Họ giữ được sự tích cực ngay cả khi vừa trải qua thiên tai. Điều đó thật tuyệt vời', chuyên gia từ Thụy Sĩ đến hỗ trợ Việt Nam sau bão số 3 chia sẻ.
Ông Beat Herger - trưởng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ sang Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão số 3 (bão Yagi) - Ảnh: DANH KHANG
Trong bối cảnh bão Yagi gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phía bắc, ngày 12-9, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) thông báo cử nhóm chuyên gia từ bộ phận viện trợ nhân đạo đến Việt Nam, đồng thời cung cấp 1 triệu franc (khoảng 1,2 triệu USD) để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Nhóm chuyên gia đã đến Yên Bái, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng là nhóm quốc tế duy nhất cung cấp hỗ trợ tại tỉnh.
Ngày 27-9 tại Hà Nội, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với ông Beat Herger - trưởng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ và ông Hans-Ruedi Hochuli - chuyên gia trong đoàn.
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam về cả dài hạn
* Ông cảm thấy thế nào khi đến địa bàn và chứng kiến sự tàn phá mà cơn bão Yagi đã gây ra ở Yên Bái?
- Ông Herger: Mỗi lần đến một quốc gia vừa trải qua thiên tai, tôi luôn cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tôi cũng nhanh chóng nhận thấy sự thân thiện của người dân Việt Nam. Họ rất có tổ chức và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Ngay cả khi vừa trải qua thiên tai như vậy mà người dân vẫn giữ được tinh thần tích cực, thân thiện và luôn chào đón mọi sự hỗ trợ. Điều đó thật tuyệt vời.
Đoàn chuyên gia Thụy Sĩ làm việc tại tỉnh Yên Bái - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM
* Người dân đã phản ứng như thế nào khi thấy đội cứu hộ từ nước ngoài đến với họ trong thời điểm khó khăn như vậy?
- Ông Herger: Ban đầu họ có đôi chút băn khoăn vì họ không biết chúng tôi là ai. Tuy nhiên, khi đội ngũ Thụy Sĩ đến, ở lại địa phương và hành động ngay lập tức, chẳng mấy chốc người dân đã mở lòng và hợp tác chặt chẽ với chúng tôi.
* Xin các ông hãy chia sẻ về các hỗ trợ và các kịch bản ứng phó đã tư vấn cho phía Việt Nam?
- Ông Herger: Điều quan trọng nhất là làm sạch các giếng nước và phục hồi nguồn nước ngọt. Điều thứ hai là khôi phục đường sá và phương tiện liên lạc, ở cả vùng sâu vùng xa. Nhóm chúng tôi đã tham gia vào cả hai công việc này. Chúng tôi đã hỗ trợ thiết bị làm sạch giếng cũng như thuê xe dọn dẹp đường sá tại địa phương.
Thụy Sĩ cũng là một đất nước có nhiều đồi núi và dốc cao. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi đang thảo luận về hỗ trợ với Việt Nam trong trung và dài hạn, về việc lập bản đồ phòng ngừa rủi ro cho các khu vực có địa hình hiểm trở, thiết lập các hệ thống dự trữ và cảnh báo cho những cơn bão tiếp theo.
- Ông Hochuli: Nhiều người dân đã phải di dời do lở đất. Yên Bái có địa hình đồi núi và các ngôi nhà được xây gần các ngọn đồi và sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp đất đá, đảm bảo an toàn để người dân có thể trở về sinh sống an toàn. Về trung hạn, cần phải thực hiện các biện pháp để giúp người dân trở về nhà, nhưng việc này chắc chắn sẽ tốn thời gian và tiền bạc.
* Vậy theo ông, quá trình tái thiết có thể sẽ kéo dài bao lâu?
- Ông Hochuli: Theo tôi có thể là nhiều tháng, thậm chí là cả năm ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng.
Đoàn chuyên gia đã cung cấp và hướng dẫn sử dụng các bộ dụng cụ vệ sinh giếng để giúp bà con tại Yên Bái sớm có nguồn nước sạch - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM
Ấn tượng với sự kiên cường của người Việt Nam
* Nhiệm vụ lần này ở Việt Nam khác biệt gì so với những nhiệm vụ khác mà các ông đã thực hiện trước đây không?
- Ông Herger: Có thể nói ông Hans-Ruedi và tôi là những thành viên giàu kinh nghiệm nhất trong tổ chức. Chúng tôi đã đến nhiều vùng thiên tai, chẳng hạn như trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi nhiệm vụ đều có những khác biệt. Lần này là lũ lụt ở Việt Nam, một quốc gia xa xôi với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định rõ các thách thức cần đối mặt, điều gì cấp thiết và cần làm gì để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để tiến hành công việc.
Chung tay đưa trẻ em Yên Bái trở lại trường sau lũ
* Đâu là điều đáng nhớ với các ông trong nhiệm vụ lần này tại Việt Nam?
- Ông Herger: Với tôi, đó là việc trò chuyện với người dân địa phương để hiểu được những khó khăn của họ. Điều đáng nhớ không phải cảnh tượng tàn phá ở khu vực bị ngập lụt hay lở đất mà là gương mặt của người dân, những người dù đang rất khó khăn nhưng vẫn nở nụ cười. Đó là điều mà tôi sẽ khắc ghi.
- Ông Hochuli: Điều thực sự đem chúng tôi đến đây là con người. Tôi đã thấy một người phụ nữ cố gắng lái xe qua một đoạn đường sạt lở. Người dân Việt Nam rất mạnh mẽ, họ chỉ muốn quay trở lại nhịp sống thường ngày càng sớm và càng tốt. Họ không ngồi đó và chờ đợi, họ đứng dậy và vượt qua những khó khăn. Đó là điều tôi rất ấn tượng ở Việt Nam.
Chúng tôi rất vui khi có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho cuộc sống của họ. Chẳng hạn như việc khôi phục lại đường sá để người phụ nữ trong câu chuyện ở trên có thể đi lại dễ dàng hơn. Đó là điều thực sự khiến tôi nhớ về nhiệm vụ này.
Bản đồ phân phối các hỗ trợ của Thụy Sĩ tại tỉnh Yên Bái - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM
Ông Beat Herger (bìa trái) và ông Hans-Ruedi Hochuli (thứ hai từ trái sang) hỗ trợ tại tỉnh Yên Bái - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM
Theo Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, nhóm chuyên gia từ Thụy Sĩ, bao gồm các chuyên gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và chuyên gia sinh kế đã hỗ trợ Việt Nam đánh giá các nhu cầu khẩn cấp, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và trung hạn cho việc phục hồi sau thiên tai.
Tại Yên Bái, nhóm đã cung cấp 16 bộ dụng cụ vệ sinh giếng, thuê 9 đội máy xúc và xe tải trong hai tuần làm việc để dọn dẹp đường sá, giúp 50.000 người tiếp cận được với các dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, nhóm cũng đã làm việc với chính quyền để hỗ trợ khoản tiền mặt 142 USD/tháng (tương đương 3,5 triệu đồng/tháng) trong vòng 3 tháng tới (trị giá 10,5 triệu đồng/hộ) cho 621 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.
Thụy Sĩ cũng đã gửi hàng cứu trợ gồm 300 lều gia đình, 5 lều lớn đa năng và hai hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người. Các vật tư cứu trợ đã được bàn giao cho tỉnh Yên Bái vào ngày 17-9.
Trân quý sự giúp đỡ của Thụy Sĩ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tặng khăn rằn cho các chuyên gia Thụy Sĩ; Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cũng trao thư cảm ơn cho Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass - Ảnh: DANH KHANG
Sáng 27-9, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass và đoàn chuyên gia đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ lời cảm ơn với việc Thụy Sĩ cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước chia sẻ hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến 54 người tại tỉnh thiệt mạng, 42 người bị thương, hơn 7.000 héc ta sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông bị hư hỏng, hệ thống điện, thông tin liên lạc bị gián đoạn.
"Với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi. Sau 2 tuần tìm kiếm, cách đây 2 ngày, chúng tôi đã tìm thấy người cuối cùng bị thiệt mạng do thiên tai.
Tất cả các hộ dân phải di dời đã được bố trí nơi ăn chốn ở, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Đến nay, chúng tôi đã bố trí đất ở để làm lại nhà cho các hộ dân, dự kiến làm mới 1.400 ngôi nhà cho các hộ dân bị thiệt hại", ông thông tin.
Ông Phước nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nhất và phân phối sự hỗ trợ của Thụy Sĩ đến đúng đối tượng, kịp thời"
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass chia sẻ với những mất mát của Việt Nam, bày tỏ ấn tượng với tốc độ phản ứng và sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam để khôi phục sau bão, cảm ơn sự hợp tác của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình làm việc của đoàn chuyên gia Thụy Sĩ.
Đăng thảo luận