Thường trực Chính phủ yêu cầu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh vượt quá tổng mức đầu tư và đội vốn trong quá trình triển khai.
Văn phòng Chính phủ ngày 7/10 thông báo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hai ngày trước. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ rà soát suất đầu tư phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của đất nước và yếu tố đặc thù công trình, để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư "chính xác nhất, đủ tin cậy, thuyết phục".
Đầu tư công được xác định là chính, gồm ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, vốn hợp pháp khác của nhà nước; vốn đầu tư BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, nhất là nhà ga, sân đỗ) và huy động nguồn vốn ngoài nhà nước bằng cơ chế đặc biệt.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu bổ sung cơ chế đặc biệt nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn thủ tục đầu tư dự án. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền Quốc hội thì giao Thường vụ Quốc hội quyết định, trường hợp thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội thì giao Chính phủ quyết định.
Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính phối hợp đánh giá chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, nợ nước ngoài; triển khai dự án sẽ giảm chi phí đi lại của người dân, chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, làm tăng giá trị gia tăng của đất nước. Các cơ quan đề xuất cơ chế đặc thù khai thác đất, vật liệu xây dựng và phân cấp tối đa cho địa phương trong cấp phép, đánh giá tác động môi trường.
Đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. Ảnh: Anh Duy
Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến tốc độ thiết kế 350 km/h. Hướng tuyến cần thẳng nhất để giảm chi phí, đảm bảo tốc độ khai thác, tạo không gian phát triển mới và tiết kiệm chi phí. Tuyến đường sắt nên tránh khu dân cư, đô thị lớn nhưng cần có kết nối phù hợp, đảm bảo ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây, kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các ga có diện tích đủ lớn để phát triển dịch vụ hiện đại, khai thác tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.
Để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc 20/10), công tác thẩm định cần hoàn thành trước ngày 18/10. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10.
Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải xác định sơ bộ 67,34 tỷ USD. Giá vé dự kiến được chia ba mức phù hợp với khả năng chi trả người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu
Đăng thảo luận