Cứu trợ cứ thích là đi, không thông qua chính quyền địa phương... nên gia đình đầu làng liên tục nhận được quà, còn nhà cuối làng chẳng có gì.
Mấy ngày gần đây ồn ào về câu chuyện làm thiện nguyện của một vài nghệ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội sau bão Yagi. Là một người đã nhiều lần chủ trì các chương trình thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng như xây trường học, xây sân chơi, ủng hộ bệnh nhân, ủng hộ các hộ nghèo... tôi thấy có năm sai lầm mà những người làm thiện nguyện thiếu kinh nghiệm thường hay mắc phải:
1. Tìm sai đối tượng cần giúp đỡ
Việc đầu tiên của một chương trình thiện nguyện là tìm được đúng đối tượng thực sự cần giúp đỡ. Điều này mọi người thường nghĩ là dễ nhưng khi làm trực tiếp lại rất khó. Ví dụ, cùng ở một làng bị lũ quét nhưng không biết nhà ai bị nặng hay bị nhẹ, kinh tế từng nhà ra sao, nhà nào đã nhận được ủng hộ từ các đoàn thiện nguyện tới trước đó, nhà nào chưa nhận được sự giúp đỡ...? Nếu chúng ta không có thông tin, thì những gia đình ở đầu làng sẽ liên tục nhận được cứu trợ, còn những gia đình ở cuối làng có thể không nhận được bất cứ lần cứu trợ nào.
Một ví dụ khác là chương trình cần xây một cây cầu để giúp người dân hai làng bên sông đi lại cho thuận lợi. Khi đó chúng ta tìm được địa điểm xây cầu rồi nhưng có thể địa phương đã có dự án xây cầu đã được phê duyệt trước đó, chuẩn bị khởi công. Chúng ta không nắm được thông tin về dự án đó thì khi thực hiện chính quyền địa phương sẽ không đồng ý, gây lãng phí thời gian và công sức.
2. Làm lơ chính quyền địa phương
Để giúp đỡ được đúng người cần giúp, đoàn thiện nguyện cần có thông tin từ cán bộ quản lý địa bàn bao gồm: Đoàn Thanh niên, Chi Hội Phụ nữ, Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ Đảng hay lãnh đạo đơn vị nhận được sự giúp đỡ... vì những tổ chức này sẽ giúp chúng ta có được danh sách "tương đối chính xác và công bằng".
Chương trình của chúng ta không nên hoạt động độc lập mà nên kết hợp với cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương để cùng thực hiện. Đó là cách tốt nhất và nhanh nhất để giúp đỡ người dân trên địa bàn. Qua đó, người dân sẽ thêm yêu cán bộ, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngược lại, các cán bộ, lãnh đạo địa phương cùng tham gia thiện nguyện sẽ thêm hiểu về những khó khăn mà người dân trên địa bàn mình quản lý đang gặp phải. Cán bộ lãnh đạo tiếp xúc với các tình nguyện viên sẽ hiểu thêm về sự cống hiến của rất nhiều tấm lòng hảo tâm. Từ đó, cán bộ sẽ thêm yêu dân và mong muốn làm được nhiều việc tốt cho người dân.
>> Ngồi thuyền phát mì gói cứu trợ nơi nước ngập đến đầu gối
3. Thiếu công khai, minh bạch
Việc rất quan trọng là công khai toàn bộ hoạt động trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo, tin nhắn về các khoản thu chi: ai đóng góp bao nhiêu tiền, hiện vật gì; chi những khoản gì, cho ai, số điện thoại người bán; danh sách người nhận được hỗ trợ (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, được nhận những gì). Người tổ chức thiện nguyện phải gửi thông tin chi tiết cho từng người tham gia đóng góp để họ kiểm tra lại các thông tin đoàn thiện nguyện đã thực hiện.
Nhiều vụ lùm xùm trước đây khi nghệ sĩ đứng ra quyên góp tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt hay chuyện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai danh sách sao kê người ủng hộ từ thiện sau cơn bão Yagi vừa qua, chính là ví dụ cụ thể cho giá trị của việc công khai, minh bạch các khoản thu - chi.
4. Làm từ thiện để đánh bóng bản thân
Nên nhớ, mục đích cao cả nhất của các hoạt động thiện nguyện là nhằm lan tỏa được tính nhân văn của chương trình tới cộng đồng. Nếu người đi cứu trợ đặt bản thân lên trên ý nghĩa cộng đồng, sẽ dễ gây phản cảm và mất lòng tin của người dân (như trường hợp nhóm nghệ sĩ đi phát mì tôm ở khu phố trung tâm Hà Nội vừa qua). Để làm được vậy, chúng ta cần thực hiện các đợt truyền thông gồm:
Trước sự kiện: thông qua các fanpage, hội nhóm, tin nhắn, điện thoại, báo chí (phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo mạng) để có thể quyên góp được nhiều kinh phí và hiện vật nhất có thể.
Trong khi tổ chức sự kiện: cập nhật ảnh, video, livestream khi chương trình đang diễn ra nhằm thông báo lộ trình các hoạt động đang diễn ra để những người đã đóng góp nắm được chương trình đang tiến hành đến đâu, tình hình thực tế thuận lợi hay khó khăn... Từ đó lan tỏa ra cộng đồng, tạo niềm tin cho các mạnh thường quân ủng hộ tiếp cho các hoạt động sau này.
Sau sự kiện: bằng các con số tổng hợp như đã quyên góp được bao nhiêu (danh sách cụ thể), đã giúp đỡ được bao nhiêu trường hợp (danh sách cụ thể), ý kiến của người nhận được hỗ trợ, của tình nguyện viên tham gia chương trình, của mạnh thường quân ủng hộ, của chính quyền địa phương đối với chương trình... Nếu có điều kiện, chương trình được tổng kết qua một video ghi lại toàn bộ các công việc đoàn đã làm để làm tư liệu tham khảo cho các chương trình sau. Ngoài ra, người tổ chức cũng cần khéo léo để cảm ơn các doanh nghiệp, cá nhân có những đóng góp lớn cho chương trình.
Có thể nhiều người sẽ nói: "Làm vậy quá phức tạp". Đúng vậy, nó sẽ hơi phức tạp với các bạn mới làm thiện nguyện, nhưng là chuyện bắt buộc phải làm để một chương trình thiện nguyện phát huy được hết những giá trị của nó. Vì nếu chúng ta không đạt được tất cả tiêu chí trên thì chương trình sẽ khó tồn tại được lâu dài.
Có bạn sẽ nói: "Làm thiện nguyện chỉ cần âm thầm là được, không cần truyền thông ồn ào". Điều đó đúng nếu bạn là một người ủng hộ trong một chương trình nào đó, đơn giản làm mang tiền hoặc hiện vật đến quyên góp là xong. Tuy nhiên, một chương trình thiện nguyện có rất nhiều người tham gia, với nhiều mong muốn khác nhau, nên việc truyền thông sẽ giúp đáp ứng nhiều thành phần và truyền thông đúng sẽ giúp việc tốt được lan tỏa rộng hơn.
Có bạn lại nói: "Tôi thích giúp gì thì cứ tự đi cứu trợ, sao phải báo chính quyền địa phương?". Đúng là không ai cấm bạn làm vậy, nhưng khi không báo chính quyền địa phương thì nếu có vấn đề xảy ra, bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm như tai nạn khi di chuyển, xích mích với dân địa phương... Hay nếu hàng cứu trợ khiến người dân bị ngộ độc, bạn sẽ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm.
Với tôi, thiện nguyện là một hoạt động "đoàn kết toàn dân". Giúp tổ chức, chính quyền đến gần với người dân, giúp người dân hiểu về tổ chức, thêm yêu chính quyền, và giúp "người tốt, việc tốt" được lan tỏa ngày một rộng rãi hơn.
- Hoài Linh 'chữa cháy' 15,4 tỷ đồng từ thiện
- Khi nghệ sĩ từ thiện chỉ với tấm lòng
- Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo
- Công bằng với nghệ sĩ làm từ thiện
- Hoài Linh nhầm lẫn cứu trợ và từ thiện
- Hoài Linh làm từ thiện chưa chuyên nghiệp
Đăng thảo luận