Với hơn 40.000 di tích, trong đó có rất nhiều di sản được UNESCO ghi danh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Làm thế nào để du lịch văn hóa phát triển và những “sứ giả văn hóa” thuộc giới trẻ ở Việt Nam có thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa…
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc.
- Là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, xin Thứ trưởng chia sẻ các nước đã khai thác danh hiệu UNESCO trong việc phát triển du lịch văn hóa như thế nào?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của nhân loại, UNESCO đã đưa ra nhiều loại hình danh hiệu đa dạng trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn từ di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản phi vật thể, tư liệu đến các khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, các danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố học tập, thành phố vì hòa bình…
Việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và phong cảnh tự nhiên của một địa phương hay một quốc gia, mà còn là một yếu tố có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế.
Các danh hiệu này đã và đang góp phần quan trọng hình thành nên thương hiệu của mỗi quốc gia, địa phương và có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều loại hình du lịch khác nhau, được phân loại theo mục đích, cách thức tổ chức, lãnh thổ, vị trí địa lý, trong đó du lịch văn hóa là phổ biến và được các nước hết sức quan tâm. Đây là một trải nghiệm du lịch với mục đích khám phá, tìm hiểu về những giá trị văn hóa đặc trưng tại một địa phương hay một quốc gia. Do đó, việc một địa danh hay di tích nào đó trở thành một “thương hiệu” được UNESCO ghi nhận sẽ là một “điểm cộng," lợi thế quan trọng đối với quyết định lựa chọn điểm đến của các du khách.
Ngoài ra, danh hiệu của UNESCO cũng mang lại sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng quốc tế cho các quốc gia về kinh phí, nhân lực và kỹ thuật để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nói chung và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.
Thực tế cho thấy các quốc gia có ngành du lịch phát triển và thu hút một lượng lớn khách du lịch hiện nay đều là các quốc gia sở hữu nhiều danh hiệu của UNESCO, như: Italy, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản…
Hội nghị thế giới của UNESCO về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững MONDIACULT tại Mexico vào tháng 9/2022 công bố một số số liệu rất đáng chú ý như: trên hành tinh chúng ta, hiện có 10 triệu km2 là di tích văn hóa và thiên nhiên hiện đang được bảo vệ bởi các danh hiệu UNESCO, 90% các nước coi văn hóa là ưu tiên hàng đầu trong chính sách du lịch, 2.250 tỷ USD doanh thu được tạo ra bởi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, 29,5 triệu việc làm được tạo ra bởi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên toàn thế giới…
Đăng thảo luận