Cô gái tiết lộ lý do chọn nghề đồng nát, vui chuyện những món hời từ... rác
(Dân trí) - Hương cho biết, nhờ chăm chỉ nhặt rác, cuộc sống gia đình thay đổi rất nhiều. Trước kia, hai vợ chồng mua chút thức ăn cũng phải đắn đo tính toán, nay mục tiêu của cô là phấn đấu xây nhà mới.
Làm đồng nát "thảnh thơi"!
Sáng sớm mùa đông lại thêm cơn mưa phùn lạnh buốt sống lưng, Hương mặc thêm quần áo, khoác ngoài chiếc áo mưa và đội nón. Đồ nghề của cô đồng nát mỗi ngày chỉ có vậy, thêm đôi găng tay, ủng và que móc sắt tận dụng từ chổi sơn nhà. Trời đông lạnh nên tầm 7h hơn Hương mới dắt xe ra đường.
"Tôi năm nay 26 tuổi, đã theo nghề đồng nát từ năm 2016, tức là cũng 5-6 năm tuổi nghề", Hương nói.
Học hết cấp 3, Nguyễn Hương (SN 1998 ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) không tiếp tục đến trường. Cô ở nhà, lấy chồng năm 18 tuổi. Chỉ 3 tháng sau, biến cố ập tới gia đình đôi vợ chồng trẻ.
Hương ăn tạm gói xôi khi làm ở bãi rác (Ảnh: NVCC).
Chồng Hương làm công nhân cho một công ty cách nhà chừng 20km. Anh gặp tai nạn lao động, tay phải bị đứt rời, phải phẫu thuật ghép nối lại. Trong vòng một năm, anh trải qua 6 lần mổ liên tiếp. Cuộc sống đôi trẻ vốn ở cảnh giật gấu vá vai, thêm gánh nặng càng khốn khó.
Chồng gặp tai nạn chưa được bao lâu, Hương phát hiện có bầu. Dù kinh tế khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau sinh con vì sợ sau này còn vất vả hơn nữa.
Em bé đầu lòng mới một tháng tuổi, Hương thấy người dì đi nhặt đồng nát cũng có kinh tế nên quyết định theo học nghề.
Khi con lớn hơn một chút, Hương từng thử đổi việc, xin làm công nhân nhưng chỉ được vài ba tháng, cô quyết định dừng việc vì con ốm nặng không có người trông nom.
"Những khó khăn của nghề đồng nát có lẽ ai cũng thấy. Mưa nắng đều phơi mặt ngoài đường, môi trường lại độc hại. Bởi vậy hầu hết người trẻ chúng tôi đều muốn làm công ty cho sạch sẽ. Nhưng tôi lại thấy nghề này cho bản thân sự linh hoạt, thời gian không gò bó, có thể thu xếp để chăm sóc con cái, gia đình", cô bộc bạch.
Với chiếc xe máy cũ và xe lôi để chở hàng, mỗi ngày Hương chạy tới các bãi rác cách nhà chừng 3-4km. Hôm nhặt được ít rác, cô thậm chí phải rong ruổi tới bãi rác xa hơn chục km để tìm kiếm. Trung bình mỗi ngày Hương nhặt khoảng một tải (tương đương 70kg). Cô mang về nhà, gom và phân thành từng loại để ở khu đất thuộc mảnh vườn bên cạnh rồi gọi đầu mối tới cân.
Mỗi ngày cô nhặt nhạnh ở 1-2 bãi rác trong khu vực (Ảnh cắt từ clip)."Nghề này không cần gì ngoài sức khỏe và sự chăm chỉ, chịu khó. Cái gì tôi cũng nhặt, từ lon bia, phế liệu, báo giấy cho tới lông vịt. Mỗi loại rác có mức giá khác nhau, dao động từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng một kg", cô đồng nát trẻ kể.
Nhờ "năng nhặt chặt bị", Hương tiết lộ mức thu nhập hàng tháng cũng không hề kém cạnh so với bạn đồng trang lứa đi làm công nhân. Những tháng chăm chỉ, cô kiếm được trung bình 8-9 triệu đồng. Thậm chí tháng Tết, bãi rác nhiều lon bia, vỏ hộp giấy, mức thu nhập của cô lên tới 10 triệu đồng.
Nhưng nghề này cũng có "mùa giáp hạt", là những tháng hè nắng gắt, người nhặt phế liệu thường chỉ kiếm được tầm 6 triệu đồng.
"Tôi cũng may mắn có mẹ chồng hỗ trợ nhiều. Còn chồng tôi vẫn động viên đừng làm gì quá sức mà phải chú ý hơn tới sức khỏe. Thậm chí anh từng bảo tôi đổi nghề, tìm việc gì đỡ vất vả, độc hại hơn, nhưng tôi vẫn thích công việc hiện tại hơn so với đi làm công nhân vì có thời gian chăm con cái", cô gái 26 tuổi cho biết.
Những lần "trúng số" của cô đồng nát
Nhiều người có thể ngại đi nhặt đồng nát vì sợ bẩn và ô nhiễm. Với Hương, cô vẫn tìm thấy niềm vui riêng trong nghề.
"Kiếm được tiền tươi khi nhặt rác là có thật. Tháng 11 năm ngoái, tôi đang lấy củi chất vào lò đốt rác ở bãi rác Đức Bác thì thấy bên dưới có tờ 500.000 đồng. Cúi xuống nhặt, tôi ồ lên sung sướng vì cùng chỗ đó còn thêm mấy tờ tiền khác, tổng cộng 3,7 triệu đồng. Chưa kể sau mỗi dịp Tết, chị em nhặt phế liệu lại tha hồ nhặt nhạnh các phong bao lì xì. Có những vỏ lì xì nhăn nhúm dính bẩn, nhưng mở bên trong lại có tờ 200.000 đồng hay 500.000 đồng. Mỗi lần như vậy, ai cũng phấn khởi", cô hồ hởi kể.
Người phụ nữ nuôi cả gia đình với nghề đồng nát (Video clip: NVCC)
Và niềm vui của Hương đôi khi cũng rất giản đơn. Hôm nào tìm được nhiều lông vịt, cô gái trẻ thấy như "trúng số". Cô tiết lộ chỉ cần kiếm được khoảng 10kg lông ướt mang về phơi khô còn 4-5kg, mang bán cũng được gần 500.000 đồng, bằng 2 ngày cóp nhặt.
Thấm thoát 5-6 năm nhặt rác, cô gái Vĩnh Phúc thấy cuộc sống gia đình thay đổi rất nhiều. Trước kia, thời mới lấy chồng, ra chợ muốn mua chút thức ăn Hương cũng phải đắn đo, tính toán chán chê. Nay có thêm kinh tế, mọi thứ cũng dễ thở hơn.
Chưa dám nói xa xôi về tương lai nhưng Hương vẫn muốn tiếp tục bám trụ với nghề nếu còn sức khỏe. Mục tiêu của cô đồng nát 26 tuổi rất giản dị, chỉ mong hai vợ chồng có sức khỏe, cùng nhau góp nhặt, chăm chỉ tiết kiệm được một khoản tiền để xây căn nhà mới khang trang hơn.
"Nếu dành dụm được chút vốn, chúng tôi muốn tìm mặt hàng để kinh doanh thêm. Cuộc sống hai vợ chồng có vất vả một chút nhưng lo được cho con cái sau này, tôi không mong muốn gì hơn", Hương bộc bạch.
Đăng thảo luận