Cổ động viên Trung Quốc qua đời sau khi đội nhà thua Nhật Bản 0-7
(Dân trí) - Tối 6/9, Hiệp hội bóng đá tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã bày tỏ sự thương tiếc khi cổ động viên bóng đá nổi tiếng Gui Erniu qua đời, chỉ ít giờ sau khi đội bóng nước này để thua 0-7 trước Nhật Bản.
"Cáo phó không đề cập liệu cái chết đột ngột của Gui Erniu có liên quan đến trận thua 0-7 của đội tuyển bóng đá quốc gia trước Nhật Bản hôm 5/9 ở vòng loại World Cup 2026 hay không.
Tuy nhiên, xét theo thời điểm, Gui Erniu đã qua đời chưa đầy 3 tiếng sau trận thua thảm hại của đội tuyển Trung Quốc", tờ Sheadline đưa tin về cái chết đột ngột của ông Gui Erniu.
Ông Gui Erniu là cổ động viên nổi tiếng của bóng đá Trung Quốc, từng đạp xe suốt 28 ngày vượt quãng đường 1.870km để lên Bắc Kinh cổ vũ cho đội tuyển nước nhà (Ảnh: Sina Sport).
Nhật báo Thành phố Giang Nam của tỉnh Giang Tây cũng đưa tin về cái chết của ông Gui Erniu, người cầm đuốc Olympic và là một công nhân kiểu mẫu ở thành phố Cửu Giang.
"Trong nhiều năm, Gui Erniu là một cổ động viên (CĐV) cuồng nhiệt của CLB Jiangxi Lushan. Ông là nhân vật đại diện cho người hâm mộ Jiangxi, tình yêu bóng đá của Gui Erniu cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người hâm mộ trên khắp cả nước.
Người ta nói rằng hầu hết người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đều quen thuộc với cái tên Gui Erniu. Chỉ cần đến Giang Tây xem trực tiếp trận đấu, nhất định sẽ nhìn thấy ông ấy.
Là một người hâm mộ Giang Tây, tình yêu bóng đá của Gui Erniu cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người hâm mộ trên toàn quốc", tờ Thành phố Giang Nam khẳng định.
Theo tiết lộ của tờ báo này, năm 1985, vì đội tuyển Trung Quốc thua một trận bóng đá, ông tức giận đến mức đập vỡ chiếc tivi đen trắng 17 inch rất quý giá lúc bấy giờ rồi nhảy xuống sông Dương Tử.
Trong trận chung kết Asian Cup 2004, ông Gui Erniu đã đạp xe 28 ngày và 1.870km đến Bắc Kinh để cổ vũ cho đội tuyển Trung Quốc.
Phong cách cổ vũ độc đáo của ông Gui Erniu gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi người, khi ông thường xuyên đội một chiếc mũ sừng màu đỏ, mặt trái sơn dầu màu đỏ, má phải có dòng chữ màu đỏ viết: "Bên trái mặt tôi màu đỏ, tượng trưng cho vùng đất đỏ Giang Tây của chúng ta, căn cứ cách mạng đỏ. Bên phải mặt tôi có dòng chữ ngày 1/8, bởi vì tôi là một người hâm mộ Giang Tây".
Khi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Trung Quốc, ông Gui Erniu sẽ viết chữ "Trung Quốc" trên mặt, kèm theo những chữ cái lớn màu đỏ được viết trên cơ thể.
Nỗi thất vọng của thầy trò HLV Ivankovic sau trận thua đậm trước Nhật Bản (Ảnh: Sina Sport).
Truyền thông Trung Quốc không khẳng định cái chết của ông Gui Erniu có liên quan tới việc đội tuyển bóng đá nước này để thua thảm hại trước Nhật Bản hay không, nhưng nhiều CĐV đã lên tiếng yêu cầu Liên đoàn bóng đá Trung Quốc nên giải tán đội tuyển quốc gia sau khi lập kỷ lục để thua đậm nhất trong lịch sử.
"Sao không giải tán đội bóng lãng phí tiền bạc và làm tổn thương người hâm mộ Trung Quốc như vậy cơ chứ", một CĐV bình luận trên tờ Sina Sport.
"Nói đến bóng đá Trung Quốc, tôi thà im lặng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì những gì đã và đang xảy ra", một CĐV khác bày tỏ.
"Có thể đòi hỏi quá nhiều ở các cầu thủ của đội tuyển Trung Quốc hay không? Họ hiện là đội bóng mà mọi đội tuyển ở châu Á đều muốn vào cùng một bảng đấu ở bất kỳ giải đấu nào.
Vì vậy, tôi đề nghị Liên đoàn bóng đá bỏ 9 trận còn lại, không chừng sẽ có tỷ số 8-0 hay 9-0 tiếp tục xuất hiện", thêm một CĐV chia sẻ.
Một CĐV Trung Quốc bật khóc khi chứng kiến đội nhà thua thảm hại trước Nhật Bản (Ảnh: Sohu).
He Xiaolong, một nhà truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc cũng bình luận: "Điều đau lòng hơn trận thua 0-7 của đội tuyển Trung Quốc là Palestine đã hòa Hàn Quốc trên sân khách. Sự ra đời của một đội bóng như vậy ở một nơi nhỏ bé mà tiếng súng dữ dội phản ánh sự phi lý của bóng đá Trung Quốc vào thời điểm này.
Thật không quá lời khi miêu tả đội tuyển bóng đá quốc gia là điên rồ và ngu ngốc. Trong số 24 đội tham dự, đội tuyển Trung Quốc có lối chơi, chiến thuật lâu đời nhất và lạc hậu nhất".
Đăng thảo luận