Diện mạo đô thị Thủ đô Hà Nội qua những công trình, hạ tầng hiện đại
Kinhtedothi - Diện mạo đô thị Hà Nội phát triển, hiện đại, sôi động như muốn làm rõ hơn sự chuyển mình khác biệt. Thành phố xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng của cả nước
Tin liên quan
Thủ đô Hà Nội - những bước chuyển mình lớn lao
Gắn biển công trình Dân vận khéo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Những hình ảnh từ trên cao thể hiện một Hà Nội đang phát triển không ngừng. Một đô thị hiện đại đang chuyển mình từng ngày.
Từ một thành phố với dân số và diện tích vừa phải, tới nay Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với diện tích hơn 3.300km2, mức dân số lên tới hơn 8,5 triệu người.
Những năm qua, diện mạo Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt công trình giao thông, đô thị hiện đại được xây dựng. Thành phố đang chuyển mình từng ngày để sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, luôn là mục tiêu được Trung ương và chính quyền TP chú trọng. Hà Nội hiện đóng vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, giúp tăng cường kết nối các tỉnh thành, các vùng kinh tế.
Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, sông Đuống, đường vành đai, đường trên cao rộng rãi, những tuyến đường sắt đô thị đang dần hình thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và mang đến diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được khánh thành năm 2015. Cây cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 8,93km. Phần cầu chính rộng 33,2m với 8 làn xe chạy. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi. Cầu Nhật Tân là mảnh ghép quan trọng của tuyến vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Cầu Đông Trù có chiều dài 1.240m, trong đó cầu chính dài 500m, được xây dựng theo kiểu vòm ống thép. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 10/9/2006 và chính thức khánh thành ngày 9/10/2014. Khi được đưa vào sử dụng cầu đã góp phần đáng kể vào việc giảm tải giao thông giữa hai bên bờ sông Đuống, cũng như của TP Hà Nội.
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12km nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài. Tuyến đường được đầu tư hơn 6.700 tỉ đồng, được coi là “con đường ngoại giao” khi thường xuyên có các đoàn khách quốc tế đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Điểm đặc biệt của con đường này là mặt cắt ngang rộng 80-100m, cùng dải phân cách giữa được phủ kín 5 tầng cây xanh. Với vận tốc tối đa 90km/h, 10 làn xe chạy hai chiều, đường Võ Nguyên Giáp đã giúp giảm thời gian từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút.
Đại lộ Thăng Long dài 29,264km là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng đại lễ. Công trình có điểm đầu giao cắt đường Vành đai 3 - Hà Nội, điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Tuyến Vành đai 3 - Hà Nội dài khoảng 65km, được kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp. Trên tuyến đường này có ba cây cầu lớn là cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.
Ngoài các đoạn trong các quận nội đô đã hoàn thành, dự kiến từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo của tuyến đường Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội, vận hành chính thức từ cuối năm 2021, tới nay đã trở thành phương tiện công cộng được rất nhiều người dân lựa chọn. Trong suốt 10 năm xây dựng, dự án này đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến thời gian triển khai kéo dài, chậm 6 năm so với mốc tiến độ hoàn thành dự kiến ban đầu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, chiều dài chính tuyến 13,05 m, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và 1 khu depot, khai thác 13 đoàn tàu. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23 phút.
Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010, dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình do Công ty GMP của Đức thiết kế, lấy ý tưởng từ chùa Một Cột, có dáng dấp như bông hoa sen, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tầng một có cửa mở về 4 hướng có tác dụng đón không khí từ 4 hướng với ý nghĩa 4 phương tụ hội về Thủ đô - vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Năm 2016, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội được tạp chí Business Insider (Mỹ) bình chọn là một trong 36 bảo tàng đẹp nhất thế giới. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật, thuộc nhiều chất liệu.
Quận Cầu Giấy tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ, trường học, cơ sở kinh doanh...với mật độ dân số đông đúc. Điểm nhấn tại khu vực này là khu phố công nghệ Duy Tân và tòa nhà Landmark 72 (cao nhất Hà Nội) nằm trên đường Phạm Hùng.
Nóc nhà của Hà Nội - tòa nhà 72 tầng Keangnam cao 329m đang dần trở thành trung tâm thu hút sự phát triển với hàng loạt cao ốc mọc lên xung quanh.
Trục đường Nguyễn Chí Thanh - Văn Cao từng được bình chọn là con đường đẹp nhất Việt Nam khi có 3 hồ nước lớn xung quanh là hồ Tây, hồ Thủ Lệ và hồ Ngọc Khánh. Ngày nay, con đường là nơi đặt nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng với tháp Lotte Center cao thứ 2 Hà Nội.
Cung thiếu nhi mới của Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000m2 tại công viên hồ điều hòa CV1 và được khánh thành cuối tháng 9 vừa qua. Cung thiếu nhi gồm hai khối nhà, trong đó khối nhà A có nhà hát, rạp phim, câu lạc bộ nghệ thuật. Khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi...
Những năm qua, Hà Nội cũng chứng kiến sự phát triển của các đại đô thị với quy mô lớn với hạ tầng, đường sá hoàn chỉnh. Những đô thị này tạo nên một không gian hiện đại, bài bản, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng trăm nghìn người.
Đến nay, nhiều dự án quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng. Những công trình này không chỉ tạo nên những tuyến phố cảnh quan kiến trúc hiện đại, điểm nhấn đô thị, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố.
Đăng thảo luận