Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ điều chỉnh chế độ chính sách cho dân quân tự vệ để phù hợp với mức lương cơ sở mới, sau khi xem xét kiến nghị cử tri.
Cử tri tỉnh Quảng Trị mới đây đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, điều chỉnh mức trợ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ. Họ cho rằng mức trợ cấp hiện hành (không dưới 119.200 đồng/ngày theo Nghị định 72/2020) là quá thấp so với mức sống hiện tại và không phù hợp với chính sách tăng lương tối thiểu chung.
Trả lời, Bộ Quốc phòng cho biết năm 2022 Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, 63 địa phương tổng kết và thống nhất đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020.
Nhằm nâng cao đời sống và động viên tinh thần lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng đã đề xuất điều chỉnh một số chế độ, chính sách, bao gồm tăng mức phụ cấp chức vụ chỉ huy và hoàn thiện các quy định về định mức, chế độ đối với từng thành phần trong lực lượng. Dự thảo cũng chú trọng đến việc bảo đảm quyền lợi cho những người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 2,34 triệu đồng/tháng. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đang điều chỉnh dự thảo, đảm bảo mức hưởng, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ phù hợp với mức lương cơ sở mới. Sau khi Nghị định được ban hành, cơ quan chức năng của Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định.
Lực lượng dân quân tự vệ ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân đưa thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông
Dân quân tự vệ không chỉ là một phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân mà còn là lực lượng nòng cốt trong sản xuất, công tác và xung kích trong các hoạt động bảo vệ cộng đồng. Họ tham gia tích cực vào công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự. Dân quân tự vệ cũng là lực lượng chiến lược của các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua hồi tháng 6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng từ 1/7. Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.
Sơn Hà
Đăng thảo luận