Được chế tạo tại Trung Quốc trong 34 tháng, giàn khoan dầu khí Marjan nặng hơn 17.200 tấn và có diện tích sàn tương đương 15 sân bóng rổ.
Giàn khoan dầu khí ngoài khơi lớn nhất do Trung Quốc chế tạo cho thị trường nước ngoài. Ảnh: CMG
Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hôm 12/8 cho biết, giàn khoan dầu khí ngoài khơi nặng nhất do Trung Quốc chế tạo cho thị trường nước ngoài đã được hoàn thiện và bàn giao tại một cơ sở sản xuất ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Việc hoàn thành giàn khoan - mang tên bệ thu gom và vận chuyển dầu khí Marjan - đánh dấu bước đột phá về năng lực chế tạo thiết bị dầu khí ngoài khơi quy mô lớn của Trung Quốc.
Giàn khoan Marjan là một trong những công trình lớn nhất thế giới thuộc loại này. Được chế tạo trong 34 tháng, công trình nặng hơn 17.200 tấn, cao hơn tòa nhà 24 tầng và có diện tích sàn tương đương 15 sân bóng rổ. Nó dự kiến ra khơi cuối tháng 8 trên một tàu vận tải lớn, đến địa điểm lắp đặt chỉ định cách xa khoảng 11.850 km.
Giàn khoan Marjan là một cơ sở sản xuất ngoài khơi phức tạp bao gồm mạng lưới đường ống tinh vi, hệ thống xử lý hóa chất tiên tiến và hệ thống kiểm soát vận hành. Nó được thiết kế để thu gom và vận chuyển dầu khí ngoài khơi đến các cơ sở xử lý trên bờ một cách hiệu quả. Với khả năng thu gom và vận chuyển 24 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỷ m3 khí hàng năm, đây là giàn khoan có công suất hàng đầu thế giới.
Saudi Aramco, công ty dầu khí nhà nước Arab Saudi, đã thông báo kế hoạch triển khai giàn khoan Marjan tại vùng biển nước này. Giàn khoan sẽ đóng góp lớn vào mục tiêu tăng sản lượng hàng năm của mỏ dầu Marjan lên 24 triệu tấn.
Sự kiện bàn giao giàn khoan Marjan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Arab Saudi đang tăng cường hợp tác về năng lượng. Hợp tác năng lượng của hai nước trước đây tập trung vào các nguồn truyền thống, nhưng hiện đã mở rộng sang cả năng lượng mới.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)
Đăng thảo luận