Giá vàng quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 2.600 USD do căng thẳng tại Trung Đông và nhà đầu tư đặt cược Mỹ tiếp tục giảm lãi suất.

Chốt phiên giao dịch 20/9, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 36 USD lên 2.621 USD. Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá lập kỷ lục mới, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 18/9 giảm lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản (0,5%). Lãi suất thấp có lợi cho vàng, do công cụ này không trả lãi cố định.

Giá vàng thế giới vượt 2.600 USD  第1张

Giá vàng thế giới tăng 36 USD trong phiên 20/9. Đồ thị: Kitco

Từ đầu năm, giá kim loại quý đã tăng 27%. Đây là mức tăng năm mạnh nhất kể từ 2010, do nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trước xung đột tại Trung Đông và nhiều khu vực khác. Việc USD yếu đi thời gian qua cũng hỗ trợ giá vàng, do nó giúp kim loại quý này rẻ hơn với người mua bằng các tiền tệ khác.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng thị trường có thể ghi nhận một đợt điều chỉnh. "Hoạt động mua vào lần này phần nào liên quan đến quyết định giảm lãi suất mạnh tay của Fed", Daniel Ghali - chiến lược gia tại TD Securities - cho biết.

Tuy nhiên, ông nhận định "gốc rễ của đợt tăng lần này vẫn chưa rõ ràng", do các quỹ ETF và người mua châu Á vẫn chưa mua vào mạnh tay. Việc giá liên tiếp lập đỉnh trong hơn một tuần qua cũng đang ghìm lại nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Đà tăng này "sẽ không duy trì mãi", Commerzbank dự báo. Ngân hàng này cho rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong 2 phiên họp sắp tới.

Dù vậy, một số nhà phân tích khác lại kỳ vọng giá vàng có thể còn tăng mạnh nữa. "Rủi ro địa chính trị, như xung đột tại Gaza, Ukraine và nhiều nơi khác, sẽ đảm bảo cho đà tăng của kim loại quý", Fawad Razaqzada - nhà phân tích tại Forex.com dự báo.

Ngoài vàng, bạc cũng tăng 1,2% hôm qua, lên 31,1 USD một ounce. Tuy nhiên, bạch kim lại giảm 1,1% về 978 USD một ounce. Palladium mất 0,5%, đóng cửa tại 1.074 USD.

Hà Thu (theo Reuters, Kitco)