Được xem là vị ngoại trưởng Mỹ quyền lực nhất từ sau Thế chiến 2, Henry Kissinger là sự pha trộn giữa cảm hứng, mưu mẹo, quyền lực, yêu và ghét.

Henry Kissinger, vị ngoại trưởng định hình thế giới  第1张

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu tại một diễn đàn ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2007 - Ảnh: REUTERS

Hôm 29-11, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin ông Henry Kissinger đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 100, để lại một sự nghiệp đầy màu sắc và tranh cãi.

Cái chết của Kissinger gây chú ý không khác gì việc một nhân vật tầm cỡ đương nhiệm qua đời, vì những di sản của chính trị gia này vẫn hiện hữu và thậm chí có thể định hình tương lai.

Henry Kissinger là ai?

Không đơn giản để viết về Kissinger, kể cả việc nên đề cập nhân vật này dưới tư cách gì. Ông nổi tiếng với vai trò ngoại trưởng Mỹ, nhưng cũng là một học giả với những cuốn sách nằm lòng cho giới quan hệ quốc tế.

Tên tuổi và sức ảnh hưởng của ông đã vượt xa một nhà ngoại giao chuẩn mực thông thường.

Nói như Washington Post, Kissinger là một học giả, chính khách, một "nhà ngoại giao ngôi sao có quyền lực vô song trong chính sách đối ngoại của chính quyền hai tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford". Và với tư cách một cây bút, một nhà cố vấn, ông đã đưa ra những nhận định "định hình chính trị và kinh tế toàn cầu".

Sinh ngày 27-5-1923, Kissinger là một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất lịch sử thế giới đương đại.

Ông đã cố vấn cho 12 đời tổng thống Mỹ, từ John F. Kennedy cho tới Joe Biden, tức hơn một phần tư tổng số người từng lãnh đạo nước Mỹ, theo lưu ý của tờ New York Times.

Sự nghiệp chính trị kéo dài cũng đặt Kissinger vào trung tâm của những biến cố quốc tế lớn nhất thế kỷ 20, cũng như sự thay đổi định hình bức tranh hợp tác toàn cầu hậu Thế chiến 2.

Trong nhiều thập kỷ qua, ông vẫn là tiếng nói quan trọng nhất của nước Mỹ xét về việc quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như thách thức kinh tế, quân sự và công nghệ Bắc Kinh mang tới.

Ông là người Mỹ duy nhất tham gia vào việc quản lý mối quan hệ Mỹ - Trung với mọi lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cho tới Tập Cận Bình ngày nay.

Mới cách đây vài tháng, khi đã 100 tuổi, ông vẫn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón thân thiết tại Bắc Kinh, bất chấp quan hệ Mỹ - Trung rất xấu.

Kissinger: cảm hứng, mưu mẹo, đạo đức, yêu, và ghét

Xét về nghề nghiệp, ông Kissinger đã sống một cuộc đời nhiều sinh viên và giới làm đối ngoại phải ao ước.

Kissinger sinh ra tại Furth (Đức) với tên Heinz Alfred Kissinger. Từ một người nhập cư Do Thái chạy khỏi chiến dịch của Đức quốc xã, ông tới Mỹ vào năm 1938 khi còn rất trẻ và khả năng nói tiếng Anh hạn chế. Tuy nhiên, nỗ lực của Kissinger sau đó biến ông trở thành nhà ngoại giao quyền lực và một học giả đầy sức ảnh hưởng.

Kissinger trở thành công dân Mỹ năm 1943, theo học Đại học Harvard nhờ học bổng, sau đó lấy bằng thạc sĩ năm 1952 và tiến sĩ năm 1954. Ông cũng dạy tại Harvard trong 17 năm.

Trong hầu hết khoảng thời gian ấy, ông làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ, đặc biệt làm trung gian cho Bộ Ngoại giao Mỹ ở Việt Nam.

Henry Kissinger, vị ngoại trưởng định hình thế giới  第2张

Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon (trái) lắng nghe cố ngoại trưởng Henry Kissinger trên chuyến bay đến Bỉ năm 1974 - Ảnh: NBC NEWS

Sự nghiệp ngoại giao của Kissinger mở ra, khi có thời điểm ông là nhân vật quyền lực thứ hai chỉ sau Tổng thống Nixon. Việc ông Nixon chọn Kissinger làm cố vấn an ninh năm 1968 được xem là một quyết định rất bất ngờ khi hai người không biết rõ về nhau.

Sau khi chính thức gia nhập Nhà Trắng dưới thời Nixon năm 1969, ông Kissinger là người hiếm hoi kiêm nhiệm cả vị trí cố vấn an ninh quốc gia lẫn bộ trưởng ngoại giao năm 1973. Theo Los Angeles Times, Kissinger thậm chí là người duy nhất nắm cùng lúc hai vị trí này. Khi Nixon từ chức, ông vẫn phục vụ dưới thời tổng thống Gerald Ford.

Rất ít nhà ngoại giao vừa được ca ngợi hết lời, vừa bị chỉ trích gay gắt như Kissinger. Ông được xem là kiến trúc sư trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc hậu Thế chiến 2, nhưng cũng bị đặt dấu hỏi về đạo đức, bị mô tả như một con cáo già đầy mưu mẹo và thực dụng theo kiểu Nicolo Machiavelli.

Với người thích Kissinger, ông là nhân vật tái định hình chính sách ngoại giao nhằm phản ánh lợi ích của Mỹ. Với người ghét Kissinger, ông là kẻ sẵn sàng bỏ qua "giá trị Mỹ", giá trị đạo đức, nhân quyền... miễn đạt được mục đích phục vụ quốc gia.

Đa số giới học giả nhận định Kissinger là một nhà khoa học chính trị theo chủ nghĩa hiện thực (Realism), mặc dù một số cũng nhận xét ông Kissinger nghiêng về hướng chủ nghĩa kiến tạo (Constructivism).

Tờ Washington Post nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Kissinger khi ông cho rằng mình đang hoạt động "trong một thế giới mà quyền lực vẫn là vị trọng tài sau cùng".

Thực tế, dù yêu hay ghét, dư luận không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Kissinger, người "đã thay đổi hầu hết mối quan hệ toàn cầu mà ông can dự", theo cách nói của New York Times.

Với xu hướng đặt lợi ích lên trước tiên, Kissinger cổ vũ lập trường giảm căng thẳng với Trung Quốc và Liên Xô (sau này là Nga), cũng như đề cao vai trò của nhà vua Iran (Shah) như một mỏ neo trong chính sách của Mỹ ở vịnh Ba Tư. Tới nay, một số ý kiến chỉ trích vẫn khẳng định khu vực Trung Đông khủng hoảng chính là hậu quả từ "chiến lược lớn" của Kissinger.

Trong ba cái tên Trung Quốc, Nga và Iran, không cái tên nào được lòng truyền thông và quan điểm chính trị dòng chính của Mỹ. Đó cũng là lý do Kissinger gặp chỉ trích nhiều trên mặt báo, đặc biệt khoảng một, hai thập niên trở lại đây.