Dự hội nghị có Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Huệ và lãnh đạo huyện Thanh Trì.
Quang cảnh buổi đối thoại.Phát biểu khai mạc, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, từ năm 2017 đến năm 2023, huyện Thanh Trì đã tổ chức 7 hội nghị đối thoại định kỳ. Cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân rất quan tâm, trách nhiệm phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; nhiều ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền huyện. Tại các hội nghị đối thoại, đã có 106 lượt ý kiến với 153 nội dung kiến nghị phản ánh. Đến nay, đã giải quyết xong 149 nội dung, còn 04 nội dung đang giải quyết. Năm 2023, có 15 lượt ý kiến tại hội nghị đối thoại và tổng hợp ý kiến của MTTQ với 30 nội dung kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền của huyện. Cấp ủy, chính quyền huyện đã tiếp thu, kiến nghị cấp có thẩm quyền và chỉ đạo giải quyết xong 28 nội dung, còn 02 nội dung đang giải quyết.
Thông qua hội nghị đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện đã tuyên truyền, phổ biến những kết quả của địa phương đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, qua đó góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh thông qua báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 9 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh sáng tạo, thực hiện nghiêm chủ đề năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; tiếp tục thực hiện 06 chương trình công tác của Huyện ủy, 05 nhiệm vụ trọng tâm và 03 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường phát biểu tại hội nghị.Theo đó, các mặt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được duy trì tốt. Công tác tư tưởng, tuyên giáo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Công tác nội chính, tiếp dân được thực hiện nghiêm túc. Công tác dân vận, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện ngày càng được phát huy và hoạt động thiết thực. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 14,6% so với cùng kỳ, các khoản thu cố định đạt kết quả cao. Huyện đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường theo tiến độ.
Đến nay, huyện Thanh Trì đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 08 xã được công nhận điểm đến du lịch, làng nghề Hà Nội. Về tiến độ thực hiện Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, tính đến nay toàn huyện đã đạt 33/34 tiêu chuẩn; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao…
Các đại biểu nêu ý kiến.Những thành quả đáng ghi nhận đó là thước đo sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đoàn kết đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, huy động tốt các nguồn lực làm nên sức mạnh tổng hợp và ngày 30/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì trong suốt thời gian qua.
Với phương châm tập trung dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ đảng viên và Nhân dân phản ánh, kiến nghị đề xuất đối thoại giải quyết các vấn đề ở cơ sở, trước khi hội nghị đối thoại diễn ra, 16/16 xã, thị trấn thuộc huyện đã tham mưu cấp ủy và tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Ủy ban MTTQ huyện đã tổng hợp 21 nội dung của các đại biểu tham gia góp ý kiến, trong đó có 12 ý kiến về lĩnh vực quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản; 03 ý kiến về lĩnh vực quản lý đất đai; 02 ý kiến về lĩnh vực tài chính; 04 ý kiến về lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Các đại biểu nêu ý kiến.Trong không khí thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, hội nghị đối thoại đã có 9 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp với các nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề về: xây dựng Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận; lĩnh vực phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; giải phóng mặt bằng; quản lý quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường...
Đối với các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đã giải đáp, làm rõ và chỉ đạo các phòng, ban, lãnh đạo các xã, thị trấn ghi nhận, giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong phát biểu tại hội nghị.Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu tại buổi đối thoại và yêu cầu huyện tập hợp, phân loại theo lĩnh vực, từng vấn đề cụ thể để các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc giải quyết, góp phần xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận giàu đẹp, văn minh.
Đăng thảo luận