Từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ cách đây 20 năm, nhiều năm nay Đào Thị Hằng đã quay lại để tiếp sức cho các tân sinh viên khó khăn. Năm nay Hằng tặng 50 suất học bổng tiếng Anh.
Về nước thăm gia đình ở làng Hama, chị Hằng vẫn tranh thủ lên lớp dạy online cho các học viên - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Trưa nắng, Hằng đón chúng tôi ở cánh cổng khu vườn của gia đình chị ở TP Gia Nghĩa, Đắk Nông với nụ cười thường trực. "Eng (anh) đi có xa không, đường khó tìm không?", chị hỏi bằng chất giọng đặc sệt Quảng Trị.
Người muốn biết thế giới ngoài kia có điều gì
Đào Thị Hằng (39 tuổi) từng là nữ sinh viên khó nghèo ở một làng biển của tỉnh Quảng Trị. Năm 2004, chị đỗ vào Trường đại học Nông lâm Huế và được báo Tuổi Trẻ trao học bổng Tiếp sức đến trường. Từ điểm tựa ấy, Hằng tốt nghiệp đại học, rồi nỗ lực săn tìm học bổng du học nước ngoài để học tiếp lên thạc sĩ. Sau đó, chị trở về nước mở công ty, mở khóa dạy tiếng Anh.
Trước khi gặp chị lần này, chúng tôi đã đọc nhiều tư liệu và lên Facebook của chị nghe giảng tiếng Anh. Ấn tượng nhất là một clip chị Hằng chia sẻ, giới thiệu về mình.
"Xin chào, mình là Đào Thị Hằng. Mọi người hay gọi mình là Hằng Mắm Ruốc, là chủ thương hiệu Mắm Thuyền Nan, LeaderTalks và Hama Village.
Tuổi thơ mình gắn bó với dòng sông Thạch Hãn, đánh bắt tôm cá là công việc mưu sinh qua ngày. Tuổi thơ vất vả đã dạy mình rằng, mình cần phải học giỏi, học giỏi là con đường thoát nghèo duy nhất.
Mình quyết tâm học tiếng Anh bằng mọi giá để xin học bổng đi du học. Mình nỗ lực không mệt mỏi, mình muốn biết thế giới ngoài kia có điều gì, tại sao người ta giàu mạnh".
Tại sao có biệt danh "Hằng Mắm Ruốc"? Đầu năm 2013, sau khi du học ở Úc về nước, cô quyết tâm làm một thương hiệu mắm ruốc để giúp thêm công ăn việc làm cho bà con miền biển. Cô vào từng căn bếp tìm những lu, hũ mắm và được người dân tận tình chỉ bảo kinh nghiệm làm mắm ruốc, nước mắm. "Những kiến thức đã học được cùng kinh nghiệm của người dân đã giúp ích mình rất nhiều trong công việc này", Hằng cho biết.
Rồi cô tìm hiểu cách tiếp thị, đóng gói sản phẩm, thiết lập đường dây vận chuyển hàng, hạch toán chi phí... và có những đơn hàng đầu tiên xuất ra thị trường. Chị Hằng đặt tên thương hiệu mắm của mình là Thuyền Nan - là hình ảnh truyền thống của những ngư dân vùng Thạch Hãn quê hương cô.
Làng Hama do chị Hằng lập nên vẫn là nơi sản xuất nông nghiệp sạch, trường lớp, khu nội trú vẫn luôn chờ đón học viên - Ảnh: TÂM AN
Tặng học bổng tiếng Anh để các sinh viên mở cửa cuộc đời
Sau khi có thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan, Hằng vào TP.HCM để kinh doanh, đồng thời mở lớp dạy tiếng Anh online. Năm 2014, từ kinh nghiệm bản thân, Hằng mở lớp chuyên chỉnh phát âm chuẩn quốc tế ở TP.HCM và Bình Dương. Các học viên sau khóa học nền tảng 10 tuần đều có phát âm chuẩn và thuyết trình tự tin. Nhưng sau một thời gian, học trò quay lại thì... mắc lỗi như cũ.
Chị Hằng quyết định chuyển lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) sống để mở làng là Hama (nghĩa là vui, khỏe). Chị kể, nơi đây từng có rất nhiều học viên đến trọ học nhiều tháng liền vào mùa hè. Học viên nội trú của Hama là những bạn trẻ vừa tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp đại học hoặc đi làm vài năm muốn cải thiện tiếng Anh để du học, đi làm...
Tại đây, cô và các trò cùng thực hành ăn uống lành sạch, thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên, học và nói tiếng Anh hằng ngày. Điện thoại chỉ được dùng vào tối thứ 4 hằng tuần cố định để các em tập trung vào việc học. Quá trình rèn luyện tiếng Anh liên tục, trải nghiệm cuộc sống ở nông trại đã giúp nhiều bạn trẻ có vốn ngoại ngữ tốt, phát âm chuẩn để "bước ra ngoài kia".
Chị ĐÀO THỊ HẰNG
"Nhiều năm học và giảng dạy, tôi nghiệm ra rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vươn xa nếu biết nắm lấy cơ hội và không ngừng học hỏi. Hãy đầu tư vào bản thân, bắt đầu từ việc học tiếng Anh. Đó là chiếc chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa cơ hội ở thế giới to lớn ngoài kia
Vài năm trở lại đây, vợ chồng chị Hằng có nhiều kế hoạch và đã định cư ở Úc. Làng Hama giao lại cho gia đình quản lý, sản xuất nông nghiệp sạch. Ngôi trường, khu nội trú trong làng vẫn ở đó, ngăn nắp và sạch sẽ như luôn chờ đợi học sinh.
Về thăm làng, chị vẫn ngồi giữa gian phòng, nơi từng giảng dạy học viên trực tiếp nhưng nay có thêm nhiều thiết bị máy tính, máy quay, micro để dạy online.
Chị Hằng tranh thủ làm vườn ở làng Hama lúc về nước - Ảnh: TÂM AN
Là người từng nhận học bổng nên nhiều năm nay, mỗi lần báo Tuổi Trẻ tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường, chị Hằng cũng đều tham gia, hỗ trợ vài suất cho đàn em (15 triệu đồng/suất). Riêng năm nay, Hằng sẽ góp vào chương trình món quà 50 suất học bổng tiếng Anh, cho những bạn có khao khát mở cánh cửa cuộc đời mình ra với thế giới.
ĐỌC THÊM- "Quà tặng đặc biệt" của Đào Thị Hằng
Hằng cho biết, đây là các gói học tiếng Anh online mà chị cùng với nhiều giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Học viên được tương tác trực tiếp với giáo viên và sẽ nhanh chóng nâng cao kỹ năng nghe, nói tiếng Anh trong thời gian ngắn.
"Tôi nghĩ gói học bổng tiếng Anh sẽ giúp nhiều sinh viên sớm có chìa khóa để tự mở cánh cửa cuộc đời và đi xa hơn. Học bổng sẽ được gia hạn cho những sinh viên có khó khăn kinh tế nhưng đầy khát khao vươn lên và vươn xa", chị tâm sự.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Đăng thảo luận