Các kỹ sư gửi lệnh cuối cùng tới NEOWISE hôm 8/8, ra lệnh cho kính viễn vọng hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất thấp, tắt bộ truyền phát.
Mô phỏng kính viễn vọng không gian NEOWISE hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: NASA/JPL-Caltech
"Nhiệm vụ NEOWISE (Tàu thám hiểm Khảo sát Hồng ngoại Trường rộng Vật thể Gần Trái Đất) là một sự thành công phi thường, giúp chúng ta hiểu rõ hơn vị trí của mình trong vũ trụ nhờ theo dõi các tiểu hành tinh và sao chổi có thể gây nguy hiểm cho con người trên Trái Đất", Nicola Fox, chuyên gia tại NASA, cho biết.
"Dù cảm thấy buồn khi nhiệm vụ kiên cường này phải kết thúc, chúng tôi rất hào hứng về những phát hiện khoa học trong tương lai mà nó mở ra bằng cách đặt nền móng cho kính viễn vọng phòng thủ hành tinh thế hệ tiếp theo", Fox nói thêm.
NEOWISE phóng lên không gian vào tháng 12/2009 với tên gọi và nhiệm vụ khác. Với tên gọi ban đầu là WISE (Tàu thám hiểm Khảo sát Hồng ngoại Trường rộng), kính viễn vọng này đã rà quét toàn bộ bầu trời hồng ngoại trong suốt nhiệm vụ chính kéo dài 7 tháng. Mùa thu năm 2010, kính viễn vọng cạn kiệt chất làm mát và không thể giảm lượng nhiệt sinh ra trong quá trình hoạt động. Điều này gây cản trở cho những quan sát hồng ngoại chi tiết về không gian sâu.
Tuy nhiên, đây không phải "đòn chí mạng" với kính viễn vọng. NASA đã trao cho nó nhiệm vụ mở rộng mang tên NEOWISE, hướng đến khảo sát các vật thể trong vành đai tiểu hành tinh chính nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. NASA từng đưa kính viễn vọng vào trạng thái ngủ đông tháng 2/2011, nhưng đã kích hoạt lại hai năm sau, khi xác định rằng nó vẫn có khả năng quan sát những tiểu hành tinh, sao chổi gần Trái Đất, và có tín hiệu hồng ngoại mạnh nhờ nhiệt Mặt Trời.
NEOWISE làm công việc này trong suốt 11 năm tiếp theo và gặt hái nhiều phát hiện quan trọng. Ví dụ, kính viễn vọng phát hiện hơn 3.000 vật thể gần Trái Đất, 215 trong số đó là hoàn toàn mới với các nhà thiên văn học.
"NEOWISE đóng vai trò to lớn trong sứ mệnh lập bản đồ bầu trời và tìm hiểu môi trường gần Trái Đất. Kính viễn vọng đã có nhiều phát hiện mới, giúp mở rộng kiến thức của con người về tiểu hành tinh và sao chổi, đồng thời tăng khả năng phòng thủ hành tinh của quốc gia", Laurie Leshin, giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA tại Nam California, Mỹ, cho biết.
Việc hoạt động Mặt Trời gần đây gia tăng cũng đẩy nhanh cái chết của NEOWISE. Nhiệt từ Mặt Trời làm giãn nở khí quyển Trái Đất, do đó, lực kéo đặt lên kính viễn vọng cũng tăng. NASA cho biết, nó sẽ nhanh chóng hạ xuống độ cao quá thấp để thực hiện các hoạt động khoa học hữu ích. Kính viễn vọng cũng không thể tăng quỹ đạo để chống lại lực kéo này. Nó dự kiến cháy rụi trên bầu trời vào cuối năm nay.
Thu Thảo (Theo Space)
Đăng thảo luận