Cá mập Angular có đôi mắt to, mõm màu hồng, lỗ mũi lớn và nha bì rõ rệt, khiến chúng trông giống một con lợn đầy lông.

Loài cá mập có gương mặt lợn  第1张

Mẫu vật cá mập Angular kéo lên gần đảo Elba. Ảnh: Isola d'Elba App

Cá mập Angular (Oxynotus centrina) sống ở phía đông Đại Tây Dương từ Na Uy tới Nam Phi và biển Địa Trung Hải. Chúng chuyên ăn cá, giáp xác, động vật thân mềm, giun biển và trứng cá mập, theo Live Science. Khác với những động vật ăn thịt lớn vạm vỡ như cá mập trắng hoặc cá mập đầu búa, loài cá mập kỳ lạ này có phần đầu bẹt, đôi mắt lớn và mõm hồng.

"Chúng thường có biệt danh cá lợn do phát ra tiếng kêu như lợn ở ngoài mặt nước", Yuri Tiberto, nhân viên ở thủy cung Elba tại Italy, cho biết, sau khi xác một cá thể được kéo lên từ vùng biển ở Elba, hòn đảo gần Tuscany.

Cá mập Angular dài một mét và có cơ thể mập mạp màu nâu xám với hai vây lưng lớn trông giống cánh buồm. Chúng có hình dạng tam giác khi nhìn từ mặt trước. Giống như tất cả cá mập, da chúng được bao phủ bởi nha bì, cấu trúc dẹt hình chữ V giống chiếc răng bao gồm thịt, ngà răng và men răng. Trong khi mọi cá mập đều có nha bì, nha bì của cá mập Angular đặc biệt lớn và nổi rõ, khiến chúng có vẻ ngoài xù xì. Các nhà khoa học chưa biết rõ lý do tại sao, nhưng điều đó có thể giúp bảo vệ chúng trước động vật ăn thịt lớn hơn.

Kết hợp với phần mặt giống như phủ đầy lông, cá mập Angular cũng có phần mõm ngắn bè với lỗ mũi to quá cỡ. Những đặc điểm kỳ lạ đó liên quan tới cách sống của chúng. Chúng dành phần lớn thời gian bơi phía trên đáy biển để tìm thức ăn. Chúng thường di chuyển chậm rãi và hút con mồi. Cá mập Angular có răng dưới sắc như dao để xẻ thịt cũng như răng trên hình nón giúp cắn xuyên qua con mồi trơn trượt.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra cá mập Angular cũng ăn trứng của các loài cá mập khác. Năm 2015, các nhà khoa học phát hiện cá mập Angular nuôi nhốt chuyên ăn trứng của cá mang tấm. Dù loài cá mập này có ít giá trị thương mại, vây lưng lớn và cột sống khiến chúng dễ bị mắc vào lưới ngư dân, chúng cũng nằm trong danh mục nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

An Khang (Theo Live Science)