Lạm phát toàn cầu tăng nhiệt nếu hạ tầng dầu mỏ tại Trung Đông lâm nguy?  第1张 Một số chuyên gia cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt tới  200 USD/thùng nếu xung đột tại Trung Đông leo thang. Ảnh: Theprint

Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông đã gia tăng sau khi Iran thực hiện hành động quân sự nhắm vào Israel hôm 1/10 vừa qua.

Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu khí từ khu vực giàu năng lượng này.

Về phần mình, Iran cũng tiên bố sẽ “phản ứng mạnh mẽ hơn” với bất kỳ hành động quân sự nào nhắm vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Giá “vàng đen” tăng đột biến sau khi truyền thông Israel đưa tin rằng Tel Aviv có thể tấn công trả đũa nhắm vào các cơ sở dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran. Giá dầu Brent nhảy vọt 17% chỉ trong một tuần, đạt mức 81,16 USD/thùng. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn phát tín hiệu sẵn sàng ngừng bắn trong cuộc xung đột với Israel tại biên giới Lebanon, giá dầu đã hạ nhiệt.

Theo tờ DW, nếu Israel làm tổn hại đến các tài sản dầu mỏ quan trọng nhất của Iran, ước tính gần 2 triệu thùng dầu mỗi ngày có thể bị loại khỏi thị trường toàn cầu. Với kịch bản này, một số nhà giao dịch dự đoán giá dầu có thể một lần nữa tăng vọt lên mức ba chữ số. Lần gần đây nhất giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng là ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Thậm chí, chuyên gia phân tích hàng hóa Bjarne Schieldrop của Ngân hàng SEB (Thụy Điển) mới đây nhận định với đài CNBC rằng nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, giá dầu có thể dễ dàng vượt qua ngưỡng 200 USD/thùng.

Iran, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ ba trong nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ quốc tế do tranh chấp kéo dài liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Mặc dù vậy, Công ty phân tích năng lượng Vortexa cho biết, xuất khẩu dầu của Iran đã đạt mức cao nhất trong 5 năm với 1,7 triệu thùng vào tháng 5, trong đó 90% lượng dầu này được chuyển đến Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Israel tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, đảo Kharg có thể sẽ là mục tiêu gây thiệt hại lớn nhất. Khu vực này là nơi đặt cảng xuất khẩu dầu chính của Iran, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại dầu mỏ chính thức và bí mật của Tehran.

Đảo Kharg nằm ở vịnh Ba Tư, cách bờ biển Iran khoảng 40 km, với hệ thống lưu trữ dầu lớn và cho phép xử lý 9/10 lượng dầu xuất khẩu của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Bên cạnh đó, các mục tiêu khác có thể bao gồm Nhà máy lọc dầu Bandar Abbas ở thành phố cảng cùng tên ở phía Nam Iran, với công suất 400.000 thùng/ngày và đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nhiên liệu nội địa của Tehran.

Theo Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn năng lượng Crystol Energy tại London, bà Carole Nakhle, đợt biến động trên thị trường dầu gần đây đã được kiểm soát phần nào nhờ nguồn cung dồi dào trên thị trường toàn cầu. OPEC cùng các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, hiện có khả năng bổ sung công suất dự phòng gần 5 triệu thùng mỗi ngày, trong khi nhu cầu tăng chậm do kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch.

Tuy nhiên, bà Nakhle cảnh báo, nguồn cung bổ sung thêm này có thể cạn kiệt nhanh chóng nếu cuộc xung đột hiện tại lan rộng tại Trung Đông.

Iran nhiều lần đe dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz, nơi chiếm khoảng 20% nguồn cung dầu toàn cầu. Rủi ro này sẽ càng làm tăng thêm khó khăn cho hoạt động thương mại hàng hải sau khi các lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn liên tục tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ trong 11 tháng qua.

Một số nhà phân tích thậm chí đã so sánh căng thẳng leo thang tại Trung Đông hiện nay với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1970, khi giá dầu tăng gấp 4 lần sau cuộc chiến giữa Israel và các nước Ả Rập.

Giới chuyên gia cho rằng việc giá dầu mỏ tăng cao có thể cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương, dẫn đến việc tăng lãi suất và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.