Bộ Nội vụ hiện đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân phường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của UBND phường tại Hà Nội đã được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa những quy định hiện hành. Cụ thể, dự thảo kế thừa Nghị định 32/2021/NĐ-CP, văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đồng thời, dự thảo cũng bám sát các quy định của Luật Thủ đô liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp phường. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định này.

Lấy ý kiến người dân nghị định mới về tổ chức của UBND phường ở Hà Nội  第1张 UBND phường ở Hà Nội được tổ chức theo kết quả phân loại đơn vị hành chính.

Dự thảo Nghị định gồm 06 chương, 29 điều (giảm 04 điều so với Nghị định số 32/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung (gồm 03 điều, từ Điều 1 đến Điều 3).

Chương II. Tổ chức, hoạt động và chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường (gồm 12 điều, từ Điều 4 đến Điều 15).

Chương III. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường (gồm 05 điều, từ Điều 16 đến Điều 20).

Chương IV. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác (gồm 03 điều, từ Điều 21 đến Điều 23).

Chương V. Công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, phường (gồm 03 điều, từ Điều 24 đến Điều 26).

Chương VI. Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện (gồm 03 điều, từ Điều 27 đến Điều 29). 

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động và chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường:

UBND phường được tổ chức theo kết quả phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC) phường, cụ thể là: Phường loại I có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch UBND và 13 công chức khác; phường loại II có Chủ tịch, có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND và 12 công chức khác; phường loại III có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch UBND và 11 công chức khác.

UBND thành phố Hà Nội căn cứ số lượng ĐVHC phường có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC để tính số lượng công chức phường tăng thêm, cụ thể là: Phường cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức và cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên thì được tăng thêm 01 công chức.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

Chủ tịch UBND phường tổ chức cuộc họp để thảo luận tập thể về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBND phường. Khi nội dung cuộc họp UBND phường có các vấn đề liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mời đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng Công an phường, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố tham gia cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường.

UBND, Chủ tịch UBND phường chịu sự giám sát của HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chủ tịch UBND phường chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố.

Chế độ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức khác làm việc tại UBND phường:

Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường.

Phó Chủ tịch UBND phường giúp Chủ tịch UBND phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch UBND phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Các công chức khác của UBND phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường và Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được Chủ tịch UBND phường phân công theo đúng quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị định nêu rõ quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường:

Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố.

Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố thực hiện việc tuyển dụng công chức làm việc tại UBND phường.

Chủ tịch UBND phường trực tiếp sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

Chủ tịch UBND phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính phường.