Các đô thị ven biển miền Trung nếu thực hiện tốt quy hoạch đô thị ven biển sẽ góp phần quan trọng làm giảm tác động do thiên tai.

Miền Trung phải quy hoạch xây dựng các cụm đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu  第1张

Các đô thị miền Trung chủ yếu ven biển và dựa vào thế mạnh của biển, trong ảnh là TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngày 25-10, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) tổ chức hội nghị Cụm đô thị Nam Trung Bộ năm 2024 và hội thảo "Quy hoạch hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị thích ứng biến đổi khí hậu".

Dựa vào tự nhiên, thuận theo tự nhiên

Miền Trung phải quy hoạch xây dựng các cụm đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu  第2张

Ông Ngô Trung Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam - Ảnh: MINH CHIẾN

Tại hội nghị, ông Ngô Trung Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam - nhận định các đô thị tại Việt Nam chủ yếu đóng ở ven biển và tận dụng lợi thế của biển. Để tăng giá trị cảnh quan và phát huy lợi thế về vị trí địa lý bám biển, các địa phương phải quy hoạch kiến trúc ven biển vừa hiện đại kết hợp bản sắc địa phương, có điểm nhấn và thích ứng chống chịu với thiên tai.

  • Thông qua quy hoạch Đà Lạt là đô thị xanh trực thuộc trung ương

  • Bình Định lên kế hoạch đầu tư 900 tỉ đồng trồng cây xanh đô thị đến năm 2030

"Các đô thị ven biển miền Trung và cả nước cần hạ tầng đi trước một bước, nhưng phải đầy đủ, toàn diện. Xây dựng hạ tầng mà thiếu đường thoát thì nước mưa sẽ chảy tràn. Không có chỗ xử lý, nước thải lại đổ ra biển thì đó là đô thị không bền vững, ảnh hưởng đến tự nhiên lẫn công dân đô thị", ông Hải nêu vấn đề.

Khi xây dựng các khu đô thị ven biển, lấn biển, theo ông Hải, cần phải tính toán, quy hoạch kỹ. Chẳng hạn các đê, kè chắn sóng cho các khu đô thị phải căn cứ theo từng khu vực địa hình, đặc thù tự nhiên mà chọn đê xanh, đê mềm hoặc đê đa chức năng.

"Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết phải hòa hợp với tự nhiên, cân bằng giữa cuộc sống con người và môi trường", ông Hải nói.

Đừng để đô thị toàn bê tông

Miền Trung phải quy hoạch xây dựng các cụm đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu  第3张

Kiến trúc sư Pierre Huyard phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MINH CHIẾN

Ông Pierre Huyard, kiến trúc sư người Pháp thiết kế chính công trình tháp Nghinh Phong (TP Tuy Hòa), chia sẻ về vấn đề vi khí hậu. Đây là tình trạng tất yếu phải xảy ra trong quá trình phát triển của một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, chỉ có thể áp dụng các biện pháp để kiểm soát ảnh hưởng của khí hậu.

"Các đô thị phải có các công trình kiến trúc, hạ tầng xanh với các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường… tránh bê tông hóa nhiều. Tránh tối đa mật độ xây dựng cao, khoảng cách công trình, chiều cao… nhất là việc chắn tầm nhìn ra biển phải được quy định cụ thể. Phải chuyển dần sang giao thông công cộng, khuyến khích người dân đi làm, học bằng xe buýt và xe đạp để giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời nên mở rộng các khu rừng, không gian xanh trong thành phố", ông Pierre Huyard nói.

Còn ông Nguyễn Khoa Khang - trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa - cho hay TP biển này đang hướng đến hình thành rừng trong phố bởi "rừng trong phố chính là lá phổi xanh, bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị". 

Ông Khang nói Tuy Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển rừng trong phố, đó là quần thể núi Nhạn, núi Chóp Chài được quy hoạch là rừng trong phố theo Đồ án quy hoạch điều chỉnh Tuy Hòa và vùng phụ cận đến năm 2040.

"Trong thành phố còn nhiều không gian công cộng có thể phát triển theo mô hình rừng trong phố như hồ điều hòa Hồ Sơn, quần thể Dịch trạm Phú Vinh...", ông Khang chia sẻ.