Tuyên QuangLúc đê sông Lô rò rỉ nước, anh Nguyễn Văn Tạo dùng lưới quây ao cá rộng 2.000 m2, chuyển đàn gà và lợn lên cao, nhưng vẫn mất trắng.
Trưa 10/9, anh Tạo, 46 tuổi, trú xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương nhận được thông báo của chính quyền việc đê tả sông Lô, đoạn giáp ranh giữa xã Quyết Thắng và xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ gặp sự cố. Phía chân đê có một xoáy ngầm nhỏ, nguy cơ vỡ nếu như nước sông tiếp tục lên.
"Tôi hoảng hốt thấy cán bộ xã và huyện liên tục đến kiểm tra đê vào buổi chiều", anh Tạo kể. Tuyến đê dài khoảng 10 km, chạy qua nhiều xã của huyện Sơn Dương. Đoạn giáp ranh xã Quyết Thắng và Hợp Nhất là điểm cuối, dài khoảng 2 km, phía nam là sông Lô, phía bắc là đồng ruộng và khu dân cư. Bờ đê là đường liên xã, 5 năm trước đã được đổ bêtông rộng 3-5 m để người dân tiện bề đi lại.
Nhà anh Tạo cách chân đê khoảng 100 m. Gia đình 4 người trông vào làm ruộng, nuôi lợn, gà, đào ao nuôi cá trắm, rô phi, lóc...
Nhà của ông Tạo cùng vườn tược chìm trong biển nước khi đê sông Lô vỡ, ngày 11/9. Ảnh: Đức Hùng
Vừa đầu tư vài chục triệu đồng cho chăn nuôi, anh Tạo không dám nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nếu đê vỡ anh sẽ mất trắng, lâm cảnh nợ nần. Vì vậy anh nhờ người đến dùng các tấm lưới cao hơn 2 m quây xung quanh ao cá, đề phòng nước dâng cá trôi ra ngoài. Đàn gà gần 100 con và đàn lợn hơn 20 con cũng được chuyển lên chuồng cao hai mét phía sau gian bếp.
Gom sẵn xô, lưới, gọi thêm họ hàng đến hỗ trợ bắt cá, nhưng anh Tạo chưa kịp làm gì thì tối 10/9 điểm xoáy ngầm dưới chân đê lan rộng, nước sông Lô bắt đầu chảy vào khu dân cư. Thấy nước tràn vào sân, anh Tạo cùng vợ chuyển tivi, tủ lạnh, quạt điện lên gửi gia đình sống ở điểm cao.
Chuyển đồ đạc xong, chính quyền yêu cầu hàng chục hộ dân thuộc phạm vi nguy hiểm phải đi nơi khác tá túc. Anh Tạo tiếc đàn cá, nhưng bất lực. Vợ động viên anh "thôi tính mạng quan trọng hơn".
Hiện trường vỡ 10 m đê sông Lô, ngày 11/9. Ảnh: Đức Hùng
Đến 2h ngày 11/9, đê sông Lô vỡ 10 m, nhấn chìm nhà và vườn tược của anh Tạo. Khoảng 35 nhà dân gần đó ngập 1-2 m. Đứng trên đê nhìn xuống, anh Tạo xót xa "mất trắng rồi", nhẩm tính gia đình lỗ hơn 50 triệu đồng. Đàn cá, đàn gà và lợn đang đến kỳ xuất bán, chưa kịp giao dịch lần nào thì gặp lũ.
"Sắp tới chính quyền khắc phục xong sự cố vỡ đê, tôi sẽ vay tiền làm lại", anh quả quyết nói. Tuy nhiên, anh cũng chưa biết xoay đâu ra tiền làm lại, tiền đóng học đầu năm cho hai con. Lâu nay nguồn sống của gia đình là khu vườn ao chuồng.
Chung cảnh với anh Tạo, gia đình ông Nguyễn Văn Khải, 50 tuổi, trú xã Quyết Thắng mất trắng tài sản sau sự cố vỡ đê. Hơn 3 sào lúa đến thời kỳ thu hoạch đã chìm dưới dòng lũ. Đàn lợn hàng chục con bị cuốn trôi. "Cuộc sống làm nông vốn đã cực, chuyến này lại cực hơn", ông Khải nói. Vụ trước vay hàng chục triệu đồng nuôi lợn, ông Tạo dự định đợt này bán lợn sẽ trả xong.
"Nhưng người tính không bằng trời tính", ông Khải nói. Cả đêm ông Khải không ngủ được vì tiếc của. Sáng hôm sau dù nhà ngập, ông vẫn quay trở về, chèo thuyền vào trong đưa bì lúa lên đặt trên kệ cao gần sát nóc để tránh ướt. Nếu nước dâng nữa, chắc ông phải đi vay gạo.
\u00d4ng Kh\u1ea3i d\u00f9ng thuy\u1ec1n \u0111\u1ec3 di chuy\u1ec3n trong ng\u00f4i nh\u00e0 ng\u1eadp h\u01a1n m\u1ed9t m\u00e9t, ng\u00e0y 11\/9. \u1ea2nh: \u0110\u1ee9c H\u00f9ng"'>Theo ông Khải, năm 2000 đê từng rò rỉ tại điểm vừa bị vỡ, nhưng mức độ nhẹ hơn. Lần đó nhiều nhà dân cũng ngập sâu hơn một mét, chính quyền đã đổ đá, bao cát khắc phục luôn, không để vỡ như lần này.
Hay tin đê gặp sự cố, bà Nguyễn Thị Lan, trú xã Quyết Thắng, cho biết tối 10/9 đã cùng hàng trăm người dân và cán bộ huyện, xã ra hiện trường đóng cọc tre, đổ đá, bỏ bao tải cát phía dưới để cứu đê. Tuy nhiên, thời điểm này đồng "đói" nước, còn sông Lô thì nước dâng quá nhanh nên không thể khắc phục nổi. Đến 2h ngày 11/9, mọi người bất lực nhìn nước ào ào vào đồng ruộng và khu dân cư.
"Cả đêm tôi trằn trọc vì cứu đê bất thành", bà Lan nói. Sự cố ở dưới lòng đất, rất khó thấy và biết trước được. Nhà ở vị trí cao nên không bị nước tràn vào nhà, song bà Lan nói rất buồn khi thấy nhiều gia đình bị cuốn trôi vật nuôi, tài sản.
Bà Lan kể phút cứu đêBà Nguyễn Thị Lan kể giây phút cứu hộ đê, nhưng đành bất lực vì dòng nước quá mạnh. Video: Đức Hùng
Ngoài thiệt hại kinh tế, đảo lộn cuộc sống, đê vỡ khiến người dân trong vùng di chuyển khó khăn. Đường đê giúp đi đến nhiều xã của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và Đoan Hùng (Phú Thọ). Hiện nếu muốn sang nơi khác tài xế phải di chuyển gấp đôi quãng thời gian trước đó.
Ông Âu Văn Luận, Chủ tịch xã Quyết Thắng, cho biết tả sông Lô là tuyến đê duy nhất trên địa bàn, không có đê phụ. Hiện nước bên ngoài sông và trong đê đã cân bằng, điểm vỡ đê không có dấu hiệu vỡ thêm. Hàng trăm bao cát cùng nhiều vật liệu đã chuẩn bị xong, chờ thời tiết thuận lợi các lực lượng sẽ hàn khẩu đê.
Đê tả sông Lô là đê cấp 5 (cấp thấp nhất trong 5 cấp đê), tương đương với diện tích bảo vệ dưới 4.000 ha, số dân được bảo vệ dưới 10.000. Theo Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão các địa phương, nước lũ lên báo động 2-3, hệ thống đê đã phát sinh 25 sự cố tại 9 tỉnh, thành. Ngoài vỡ đê tả sông Lô, các tuyến đê cấp 4-5 ở TP Thái Nguyên, Hạ Hòa (Phú Thọ), hữu Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) và đê sông Tích (Quốc Oai, Hà Nội) gặp sự cố tràn.
Đăng thảo luận