Không chỉ sở hữu mức nhiệt trung bình khoảng 20 độ C, Măng Đen còn có những cánh rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cao nguyên Măng Đen nằm trong dãy Trường Sơn, ở độ cao trên 1200m so với mực nước biển, thuộc phía Bắc Tây Nguyên và cách TP. Kon Tum khoảng 50km. Chính nhờ độ cao ấn tượng này mà Măng Đen có hệ thực vật nguyên sinh đa dạng bao quanh, kết hợp cùng khí hậu trong lành, mát mẻ tạo nên điểm đến lý tưởng cho du khách hiện nay.
Bên cạnh đó, Măng Đen còn có hệ thống sông, hồ, suối phân bố đa dạng cũng giúp quá trình canh tác trồng trọt dễ dàng hơn. Với đặc điểm khí hậu và thực vật đa dạng tương tự như “thành phố ngàn hoa” mà đây còn được ví như “Đà Lạt” giữa lòng Kon Tum hiện nay.
Măng Đen được ví như “Đà Lạt” giữa lòng Kon TumTuy có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao song do nhiều nguyên nhân khác nhau mà phát triển kinh tế - xã hội khu du lịch Măng Đen chưa tương xứng với tiềm năng; còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Để phát triển bền vững Măng Đen trong xu thế hội nhập toàn cầu, TS. Phạm S, P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua nhiều lần đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại Măng Đen, đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền toàn diện về kinh tế - xã hội Măng Đen: Chú trọng có giải pháp đồng bộ tuyên truyền về tiềm năng lợi thế so sánh về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hoá độc đáo riêng có, các cơ chế chính sách tập trung cho Măng Đen phát triển bền vững; đặc biệt tuyên truyền giá trị văn hoá, con người Việt Nam nói chung và văn hoá con người Măng Đen nói riêng nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao: có chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực; tiến hành đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nhân tài trong và ngoài tỉnh; phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực từ cấp học phổ thông để đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Chú trọng đào tạo đồng bộ cán bộ công chức quản lý, cán bộ viên chức sự nghiệp, cán bộ các tổ chức chính trị, cán bộ khoa học; đặc biệt đào tạo cán bộ chuyên sâu đối với lĩnh vực du lịch và nông nghiệp;
Thu hút đầu tư các dự án du lịch: Tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch nhiều hơn nữa ở các tỉnh trong nước và các quốc gia trên thế giới; có sự kết nối chia sẻ sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Măng Đen. Quảng bá tiềm năng cơ hội lợi thế của Măng Đen có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo; khai thác hợp lý chương trình thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thể thao mạo hiểm.Tỉnh Kon Tum chọn Măng Đen tổ chức Lễ hội Mai anh đào hai năm một lần; bởi Măng Đen là đô thị có số lượng Mai anh đào trồng nhiều nhất quốc gia và quốc tế, thời điểm Mai anh đào ra hoa cũng trùng vào thời điểm khí trời se lạnh rất phù hợp mùa du lịch độc đáo, hiếm có và ấn tượng ở Măng Đen.
Mở rộng không gian phiên chợ đêm cuối tháng và khai thác cảnh quan thiên nhiên hợp lý: Phát huy mô hình chợ phiên vào thứ bảy, chủ nhật tuần cuối của tháng để quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề và giao lưu văn hoá tạo không gian văn hoá ẩm thực giữa các dân tộc thiểu số với du khách. Tổ chức không gian cho các khu chức năng du lịch Măng Đen như: trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, điểm du lịch vệ tinh; các khu vực bảo vệ cảnh quan; du lịch lòng hồ mặt nước; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu;
Có giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn: Địa phương cần tiến hành đồng thời vừa tập trung chỉ đạo sản xuất cho người dân và doanh nghiệp địa phương, đồng thời thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, cây ăn quả chất lượng cao; phát triển mạnh cây dược liệu quý song song với nhà máy chế biến, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng; di thực và trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh theo phương pháp hữu tính, hữu cơ và cây Ngọc nữ trắng theo phương pháp vô tính, hữu cơ trong thời gian tới.
Triển khai đồng bộ quy hoạch của Chính phủ: Tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt Quyết định số: 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 về Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045 với Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan nhằm mục tiêu phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống. Cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Xem quảng bá thương hiệu là đầu tư tài sản vô hình để tạo đột phá cho sự phát triển bền vững: Tiếp tục phát huy những thành quả du lịch Măng Đen trong thời gian qua; phát huy giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương - Măng Đen bằng nhiều hình thức; chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao; cần chuyển từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều; Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về du lịch xanh, bền vững; các chương trình truyền thông giáo dục có thể được tổ chức phong phú đa dạng bằng nhiều hình thức để mỗi người dân khu du lịch Măng Đen là một đại sứ du lịch để giới thiệu cho du khách những nét độc đáo riêng có về du lịch xanh và khuyến khích du khách thực hiện các hành động bảo vệ danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá và môi trường thiên nhiên khi tham gia vào các hoạt động du lịch ở Măng Đen trong thời gian tới;
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nhằm thực hiện tối ưu hoá Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị: Đẩy nhanh tiến độ Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Tuyến đường có chiều dài khoảng 135,93km được đề xuất đạt quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22m - 25,25m với vận tốc thiết kế từ 80km/h - 100km/h.Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông đặc biệt là xe tải và xe khách lớn lưu thông để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, đây là hạ tầng giao thông rất quan trọng nhằm thực hiện NQ23/NQ- TW;
Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sân bay Măng Đen: Ngày 20/8/2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác T.Ư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó Thủ tướng đồng ý bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không, giao cho các Bộ, ngành làm việc với tỉnh Kon Tum tham mưu đề xuất Chính phủ. Đây là hạ tầng giao thông rất quan trọng nhằm thực hiện NQ23/NQ- TƯ, do đó tỉnh Kon Tum cần thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để khẩn trương thực hiện dự án quan trọng này nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của khu du lịch Măng Đen với quốc gia và quốc tế trong thời gian sớm nhất có thể;
Xác định công nghiệp văn hoá là xu hướng phát triển toàn cầu theo xu thế thời đại: Các cấp chính quyền cần có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh và âm nhạc… đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng sẽ phát triển mạnh trong tương lai mà Măng Đen có rất nhiều tiềm năng lợi thế, song trong thời gian qua chưa được khai thác, còn mang tính hoang sơ và chưa được các nhà đầu tư quan tâm. Trong những năm tới tỉnh Kon Tum cần chủ động thông qua công tác ngoại giao và xúc tiến đầu tư du lịch chọn Khu du lịch Măng Đen đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế để nâng tầm quảng bá thương hiệu Măng Đen tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
Đăng thảo luận