Nam công nhân gây sốt vì tự học ngoại ngữ, xuất bản tác phẩm triết học
(Dân trí) - Trong giới dịch giả tại Trung Quốc, Trần Trực là một gương mặt mới nổi, gây sốt với cộng đồng mạng. Anh vốn là một công nhân chuyên làm việc trên các công trường, trong các nhà máy.
Trần Trực (SN 1990) yêu thích triết học nên đã tự học tiếng Anh để có thể tìm đọc những sách triết học nổi tiếng bằng tiếng Anh. Cách đây 3 năm, anh lên mạng tìm hiểu về quy trình xuất bản sách sau khi tự dịch cuốn Heidegger: An Introduction (Giới thiệu về Heidegger) của tác giả người Mỹ Richard Polt sang tiếng Trung.
Ngay lập tức, cư dân mạng phát sốt vì chàng công nhân đã dành ra hơn 10 năm học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, đọc nhiều sách triết học.
Trần Trực là dịch giả mới nổi tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Cuốn Heidegger: An Introduction vốn được xem là một cuốn sách hay dành cho những ai muốn tìm hiểu về nhà triết học người Đức Martin Heidegger (1889-1976).
Việc anh chàng công nhân Trần Trực tự học và đã hoàn thành bản dịch của một cuốn sách triết học khiến cộng đồng mạng xứ tỷ dân sửng sốt. Cuộc đời Trần Trực thay đổi từ đó.
Trần Trực cho biết trước khi đi làm công nhân, anh từng theo học ngành toán tại một trường cao đẳng. Dù vậy, niềm đam mê dành cho triết học quá lớn nên anh quyết định dừng việc học để sớm đi làm. Với giải pháp này, anh sẽ có tiền để hỗ trợ gia đình, dù đó không phải những khoản tiền lớn. Ngoài ra, anh có thể tự do theo đuổi đam mê.
Việc Trần Trực theo đuổi triết học là cách để anh hiểu được những điều quan trọng nhất trong cuộc đời và tự mình giải đáp được câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại. Trong hơn 10 năm đi làm công nhân, anh vẫn kiên trì tự học tiếng Anh, tự bồi dưỡng kiến thức, đọc nhiều sách triết học bằng tiếng Anh.
Trần Trực tự học ngoại ngữ, tự bồi dưỡng kiến thức triết học để trở thành dịch giả ở mảng sách triết học (Ảnh: SCMP).
Đối với Trần Trực, niềm đam mê dành cho triết học lớn hơn mọi niềm đam mê khác. Dù vậy, cha mẹ anh đều là nông dân nghèo, việc anh theo đuổi con đường triết học không phù hợp với hoàn cảnh gia đình ở thời điểm bấy giờ. Vì vậy, Trần Trực quyết định đi làm và tự học.
Ở thời điểm gây sốt mạng hồi năm 2021, Trần Trực đã nghỉ việc ở nhà máy. Ngay sau đó, Trần Trực được nhận vào làm biên tập viên cho một tờ tạp chí phát hành nội bộ tại một trường đào tạo nghề ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Đến tháng 4 năm nay, cuốn Giới thiệu về Heidegger - bản dịch của Trần Trực - đã được xuất bản tại Trung Quốc. Câu chuyện cuộc đời của chàng công nhân tự học ngoại ngữ và triết học lại được truyền thông Trung Quốc đề cập.
Chia sẻ về cuộc sống của bản thân hiện nay, khi đã trở thành biên tập viên kiêm dịch giả, Trần Trực vui vẻ cho hay giờ đã có thu nhập ổn định, có nhiều thời gian rảnh để nghiên cứu triết học.
"Tôi không còn phải làm việc chân tay tới 10 tiếng mỗi ngày nữa. Tôi có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu triết học, để bình tĩnh suy nghĩ. Cuộc sống của tôi hiện tại thực sự nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn", Trần Trực chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới nhất.
Trần Trực là nhân vật gây sốt với cộng đồng mạng Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Sự quan tâm của cộng đồng mạng cũng giúp anh được các nhà xuất bản quan tâm nhiều hơn, điều này giúp anh sớm được biết tới trong vai trò một dịch giả.
Dù vậy, là nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đưa lại những thách thức cho anh. Trước đây, Trần Trực chưa từng phải đối diện với những ý kiến trái chiều xung quanh mình.
Hiện tại, khi đã được nhiều người biết tới, Trần Trực phải chấp nhận rằng có những người dù không hiểu nhiều về anh, nhưng sẵn sàng bình luận chỉ trích anh dữ dội vì những lý do "không đâu".
Trước những tranh cãi trái chiều xung quanh mình trên mạng xã hội, Trần Trực chia sẻ rằng anh đã học cách làm quen để bớt căng thẳng.
Theo SCMP
Đăng thảo luận