Dù đã cao tuổi nhưng hằng ngày ông Phềnh vẫn kiên trì "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động bà con trong thôn bản xóa bỏ hủ tục cũ, thực hiện đời sống văn minh, xây dựng nông thôn mới.

Ông Thào Seo Phềnh (ở thôn Ke Đền II, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng) là một trong những người cao tuổi của tỉnh Lào Cai được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Ông Phềnh là người dân tộc Mông. Nơi ông sinh sống thuộc địa bàn thôn bản đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao biên giới. Ông chỉ được học hết lớp 5/10, tiếng phổ thông nói chưa lưu loát.

Cả thôn Khe Đền II gồm 79 hộ, 370 khẩu, dân tộc Kinh có 2 hộ, còn lại đều là dân tộc Mông, đại đa số là những người Mông di cư từ nhiều nơi về cư trú. Địa bàn thôn rộng, toàn là đồi núi cao, dân cư sống không tập trung.

Trước năm 2015 và đặc biệt là từ năm 2000 trở về trước, tình hình an ninh trật tự, tình hình tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật diễn ra rất phức tạp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn khi 70-80% là hộ nghèo, một số hủ tục lạc hậu truyền từ đời này qua đời khác còn rất nặng nề, một số tệ nạn xã hội như nghiện hút ma túy, trộm cắp, buôn bán hàng cấm, di dịch cư tự do không được kiểm soát...  

Người cao tuổi dân tộc Mông tích cực vận động xóa bỏ hủ tục  第1张 Ông Thào Seo Phềnh - người cao tuổi thôn Khe Đền II tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống mới trong đồng bào dân tộc Mông. 

Nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền vận động, cộng đồng dân cư nhân dân tin tưởng vào chính quyền, yên tâm định cư, tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu xây dựng nông thôn mới... khiến tình hình an ninh, trật tự từng bước ổn định.

Từ năm 1999-2016, ông Phềnh là công an viên thôn Khe Đền II, ông cũng là Đảng viên đầu tiên người dân tộc thiểu số của thôn. Khi chưa tới 60 tuổi, ông Phềnh đã tích cực tham gia vào công tác đoàn, hội người cao tuổi, trở thành người uy tín được nhân dân trong thôn tin tưởng, giao nhiều trọng trách.

Người cao tuổi dân tộc Mông tích cực vận động xóa bỏ hủ tục  第2张 Tuyên truyền cho người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới. 

Người Mông thôn Khe Đền II còn nhiều hủ tục lạc hậu, lấy vợ, lấy chồng sớm, tổ chức cưới hỏi dài ngày, thách cưới cao bằng trâu bò, bạc trắng hoa xòe, thậm chí còn tục lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đẻ nhiều con, hay uống rượu say, người chết để lâu trong nhà, an táng không có quan tài rất mất vệ sinh, phá rừng phát nương làm rẫy, thiếu kiến thức trong lao động sản xuất... Những hủ tục này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên mất an ninh trật tự tại thôn bản.

Với lợi thế là người dân tộc bản địa, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình, năm 2016, ông Phềnh đã cùng với các đồng chí Đảng viên trong chi bộ xây dựng được mô hình "Làng bản tích cực tham gia xóa bỏ tập quán lạc hậu" với 23 thành viên. Trong quá trình triển khai, nhiều người không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông nên ông Phềnh chú ý trong khâu tuyên truyền, vận động phải phù hợp bằng tiếng dân tộc, bằng các hình ảnh, tờ rơi.

Ông thường xuyên tuyên truyền và hưởng ứng phong trào thi đua "Tuổi cao gương sáng"; "Ông bà mẫu mực dạy bảo con cháu thảo hiền"; "Người cao tuổi gương mẫu trong gia đình và xã hội", tích cực cùng các ban, ngành đoàn thể của thôn, động viên chỉ đạo nhân dân và người cao tuổi thôn còn sức khỏe, tham gia đội tự quản, tổ hòa giải cơ sở, tổ cảm hóa, giáo dục người phạm tội, phát huy uy tín, già làng, trưởng dòng họ, gương người tốt việc tốt, phát huy, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của người Mông, từng bước dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, không phù hợp với thời đại mới.

Thôn Khe Đền II từ một thôn là điểm nóng về an ninh trật tự đến nay cộng đồng dân cư đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên, chỉ còn 15% hộ nghèo, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, có điện lưới quốc gia, một số tuyến, đường trong thôn được bê tông hóa.

Con em đồng bào Mông đủ tuổi được cắp sách đến trường, người dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng, thực hiện nếp sống văn hóa, dần dần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, không còn hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không còn người nghiện hút ma túy, nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân được hòa giải tại thôn bản.