Ryan Routh từng đến Ukraine ngay sau khi xung đột nổ ra, cố gắng tuyển mộ quân nhân Afghanistan đến chiến đấu cho Kiev, nhưng bị mô tả là "lập dị" và gây nhiều nghi ngại.

Hai tháng sau vụ ám sát hụt tại sự kiện tranh cử ở Bulter, bang Pennsylvania, cựu tổng thống Donald Trump ngày 15/9 đối mặt âm mưu ám sát tại câu lạc bộ golf ở West Palm Beach, bang Florida. Nghi phạm được xác định là người đàn ông 58 tuổi Ryan Wesley Routh.

Routh là người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine, nhưng từng có nhiều hành động thất thường đến nỗi một số người Mỹ phải báo cáo hành vi của ông ta với giới chức.

Routh đã tới Ukraine ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch cuối tháng 2/2022 với hy vọng được tham chiến. Tại Kiev, Routh nhuộm tóc màu xanh và vàng như màu cờ của Ukraine và thường xuyên mặc áo phông có ba màu cờ Mỹ gồm đỏ, trắng và xanh dương. Routh dán áp phích khắp Kiev để kêu gọi người nước ngoài muốn hỗ trợ Ukraine nhắn tin cho ông ta.

Chelsea Walsh, y tá ở West Palm Beach, nói cô đã nhắn tin tới số điện thoại trên áp phích khi mới đến Kiev, nghĩ rằng nó sẽ giúp cô kết nối với một tổ chức tình nguyện.

Tuy nhiên, Routh đã yêu cầu cô gặp ông ta và những người khác tại quảng trường trung tâm ở Kiev vào ngày hôm sau để giương cờ các quốc gia và tuyên bố về sự hỗ trợ toàn cầu dành cho Ukaine. Walsh đã tới và giơ cao lá cờ của Ireland. Lúc đó, Walsh cảm thấy Routh lập dị nhưng không nguy hiểm.

Nghi phạm âm mưu ám sát ông Trump từng làm gì ở Ukraine?  第1张

Ryan Wesley Routh tham gia cuộc biểu tình ở Kiev, Ukraine hồi tháng 4/2022. Ảnh: AP

Quan điểm của cô về ông này thay đổi sau hàng chục cuộc gặp gỡ ở Kiev. Walsh kể ông ta đã nói về việc muốn ám sát Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Routh cũng đề cập tới cựu tổng thống Trump và Tổng thống Joe Biden, song Walsh không nhớ liệu ông ta có nói điều gì đe dọa về họ hay không.

Những lời đe dọa bạo lực của Routh khiến Walsh lo lắng đến mức phải chia sẻ những lo ngại của mình với sĩ quan Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) trong cuộc nói chuyện kéo dài một giờ ở sân bay Dulles, Washington, hồi tháng 6/2022.

Walsh nói rằng Routh là một trong những người Mỹ nguy hiểm nhất mà cô gặp trong một tháng rưỡi ở Ukraine. Cô cũng cho sĩ quan CBP xem cuốn sổ liệt kê hơn chục cái tên người Mỹ và những người khác có hành động khiến cô hoảng sợ. Mục những người có đặc điểm chống đối xã hội gồm 4 cái tên, trong đó Routh đứng đầu danh sách.

Khi nghe tin Routh cố chiêu mộ người tị nạn Syria đến chiến đấu ở Ukraine năm 2023, Walsh đã gửi cảnh báo trực tuyến cho FBI và Interpol, nêu rõ những lo ngại về Routh. Cả CBP và FBI đều không hồi đáp.

Routh nổi lên trong các nhóm tình nguyện cứu trợ ở Ukraine như "kẻ lừa đảo" và "lập dị", theo Sarah Adams, cựu sĩ quan CIA từng giúp vận hành mạng lưới 50 nhóm cứu trợ để chia sẻ thông tin, điều phối hoạt động nhân đạo. Adams cho biết Routh từng tuyên bố đang làm việc với chính phủ Ukraine để tuyển mộ binh sĩ nước ngoài, nhưng điều này không đúng.

Routh gửi tin nhắn tới các binh sĩ Afghanistan trên ứng dụng Signal và WhatsApp, giới thiệu mình là người Mỹ và đã giúp "quân đội Ukraine nhận thử một số lính Afghanistan".

Routh cũng từng xuất hiện trong video đứng trước Đồi Capitol, bày tỏ thất vọng rằng Ukraine không tiếp nhận nhiều hơn những người lính Afghanistan mà ông ta chiêu mộ. Routh sau đó nói với Semafor năm 2023 rằng Ukraine lo sợ họ là "gián điệp".

Tuy nhiên, Cục Điều phối người nước ngoài thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Ukraine cho biết Routh chưa từng phục vụ trong quân đội Ukraine hay hợp tác với họ. Oleksandr Shahuri, đại diện cục điều phối, cho hay Routh thường xuyên liên lạc với Quân đoàn Quốc tế Ukraine để đưa ra "những ý tưởng vô nghĩa và thậm chí là ảo tưởng".

Cảnh giác với các tin nhắn kêu gọi của Routh, các nhóm cứu trợ khác đã cấm ông ta tham gia hoạt động của họ trên Signal. Họ cũng báo cáo hoạt động của Routh với Bộ Ngoại giao Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng ông ta có thể dính dáng tới hành vi buôn người hoặc nhập cư trái phép, theo Adams.

"Hãy cẩn thận với Ryan Routh", Adams gửi tin nhắn cảnh báo các nhóm cứu trợ Ukraine hồi tháng 6/2023.

Adams thêm rằng rất nhiều người đã cố gắng ngăn cản hoạt động của Routh hoặc ít nhất ngăn mọi người "rơi vào những trò lừa đảo" của ông ta.

Nghi phạm âm mưu ám sát ông Trump từng làm gì ở Ukraine?  第2张     Mỹ công bố video bắt nghi phạm định ám sát ông Trump ở Florida

Cảnh sát khống chế Ryan Routh. Video: Martin County Sheriff's Office

Mặc dù giới chức Ukraine phủ nhận liên quan đến Routh, một người đàn ông Pháp tới Ukraine với ý định tham chiến cho biết Routh đã giúp anh ta được tuyển vào một đơn vị quân đội Ukraine. Anh kể rằng Routh đã bày tỏ phẫn nộ về ông Trump khi hai người gặp nhau tại một quán bia ở Kiev năm 2022.

"Ryan rất thất vọng về việc ông Trump cố gắng đàm phán thỏa thuận với ông Putin thay vì thực sự ủng hộ Ukraine", người đàn ông này nói.

Vài năm gần đây, Routh có quan điểm ngày càng tệ về Trump. Trong cuốn sách tự xuất bản năm 2023 mang tên Cuộc chiến không thể thắng của Ukraine, Routh viết rằng "Iran có thể thoải mái ám sát ông Trump", mô tả cựu tổng thống là "kẻ ngốc" vì cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021 và "mắc sai lầm lớn" khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Routh nói ông từng bỏ phiếu bầu cho Trump và phải chịu trách nhiệm với "người mà chúng tôi đã bầu làm tổng thống tiếp theo, nhưng cuối cùng hóa ra chỉ là kẻ ngốc". Ông ta bày tỏ ủng hộ đối với Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris. "Đảng Dân chủ là lựa chọn của tôi và chúng tôi không thể thua", ông viết trên X hồi tháng 4.

Vào tháng 7, sau vụ ông Trump bị ám sát hụt tại Pennsylvania, Routh viết trên mạng xã hội rằng ông Biden và bà Harris nên tới thăm những người bị thương trong vụ xả súng và tham dự đám tang của người lính cứu hỏa thiệt mạng. "Trump sẽ không bao giờ làm bất kỳ điều gì cho họ", Routh bình luận.

Routh cũng viết trong sách của ông ta rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu do phụ nữ lãnh đạo, bởi vì "dường như toàn bộ vấn đề của thế giới xoay quanh những người đàn ông bất ổn, với trí thông minh và hành vi như trẻ con".

Nghi phạm âm mưu ám sát ông Trump từng làm gì ở Ukraine?  第3张

Vị trí của ông Trump và nơi nghi phạm bị phát hiện ở sân golf tại West Palm Beach, Florida ngày 15/9. Đồ họa: AP

Sau khi bị bắt vì âm mưu ám sát ông Trump, Routh ngày 16/9 đã hầu tòa với hai tội danh "sở hữu súng dù là người từng bị kết án trọng tội" và "sở hữu khẩu súng bị xóa số seri". Nếu bị kết án cả hai tội, Routh sẽ đối mặt với mức án tù lên tới 20 năm. Giới chức có thể đưa ra thêm cáo buộc với Routh.

Dù nhiều người từng bày tỏ lo ngại về Routh, vẫn có người nói tốt về ông này. Hàng xóm Christopher Tam mô tả Routh rất kín tiếng, tôn trọng người khác, thân thiện và tử tế.

"Những điều anh ta bị cáo buộc thực sự rất đáng ngạc nhiên. Chúng tôi thực sự bị sốc", Tam nói.

Thùy Lâm (Theo AP, WSJ, CBS News)