Ngân hàng muốn chi 10.000 tỷ đồng mua 5% vốn FPT làm ăn ra sao?

(Dân trí) - LPBank do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT là ngân hàng tầm trung trong hệ thống, có vốn điều lệ 25.576 tỷ đồng. Hơn 90% cổ phần của LPBank là do các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu dưới 1% vốn đứng tên.

Kế hoạch trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) được Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) đề cập trong tài liệu họp cổ đông bất thường vừa công bố. Phiên họp dự kiến được tổ chức ngày 22/9.

HĐQT ngân hàng này đề xuất cổ đông thông qua kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT, tương đương 73 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến là trong năm 2024 và 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền.

Tập đoàn FPT có vốn điều lệ 14.605 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Với thị giá chốt phiên 20/9 của cổ phiếu FPT là 135.200 đồng/cổ phiếu, để hoàn tất giao dịch, LPBank có thể phải chi khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Ngân hàng muốn chi 10.000 tỷ đồng mua 5% vốn FPT làm ăn ra sao?  第1张

Diễn biến cổ phiếu FPT một năm trở lại đây (Ảnh: FireAnt).

LPBank kinh doanh ra sao?

Theo công bố từ FPT, 8 tháng đầu năm, tập đoàn này đạt doanh thu 39.664 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và gần 20% so với cùng kỳ. Tập đoàn kinh doanh ở 3 lĩnh vực công nghệ, viễn thông và giáo dục.

Trong khi đó, LPBank là ngân hàng có quy mô tầm trung trong hệ thống với vốn điều lệ 25.576 tỷ đồng đến hết tháng 6.

Tại phiên họp đầu năm, ngân hàng này được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, HĐQT đã điều chỉnh phương án này. LPBank chỉ tăng vốn lên 29.800 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%.

LPBank tên cũ là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt. Tên này được sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, ngân hàng đã được thông qua kế hoạch đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam như hiện nay tại phiên họp thường niên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ giữa tháng 7. Trước đó, ngân hàng cũng đã đổi nhận diện thương hiệu, sau khi Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.

Những thay đổi diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch HĐQT. Ông được bầu vào HĐQT LienVietPostBank từ cuối tháng 4/2021 và làm Phó chủ tịch ngân hàng khoảng một tuần sau đó. Tháng 12/2022, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Ông Thụy được biết đến từng làm lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng... Ông từng là Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty cổ phần Thaiholdings, Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc…

Cuối năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy và Thaiholdings từng gây bất ngờ trong giới đầu tư khi tuyên bố thành lập Công ty cổ phần Thaispace với trụ sở tại Phú Quốc, Kiên Giang, có vốn điều lệ lên đến 26.688 tỷ đồng, nhằm thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc.

Tuy nhiên, tham vọng dường như càng xa sau khi ông Thụy rút khỏi Thaispace để tham gia vào ngành ngân hàng. Báo cáo tài chính quý II/2022 của Thaiholdings cũng cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình thoái vốn khỏi dự án này.

Ngân hàng muốn chi 10.000 tỷ đồng mua 5% vốn FPT làm ăn ra sao?  第2张

Chân dung ông Nguyễn Đức Thụy (Ảnh: LPB).

Nửa đầu năm, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Hội đồng quản trị trước đó cho biết ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức trong 3 năm, kể từ năm 2024. Lợi nhuận tạo ra được sử dụng để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm, từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính.

Ngân hàng có mạng lưới rộng lớn khi sở hữu hơn 1.200 điểm giao dịch. 6 tháng đầu năm, huy động tiền gửi của ngân hàng đạt 336.978 tỷ đồng.

Phía đầu ra, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt hơn 317.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15,2% so với thời điểm cuối năm 2023.

Trong đó, lĩnh vực được rót vốn nhiều nhất là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, với dư nợ tăng khoảng 16.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 76.300 tỷ đồng. Lĩnh vực này cũng chiếm gần 1/4 tổng dư nợ cho vay của LPBank.

Tín dụng của LPBank còn "chảy" vào ngành xây dựng hơn 47.300 tỷ đồng, tăng 6.400 tỷ đồng. Lĩnh vực được ngân hàng này cho vay nhiều thứ 3 là hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình với hơn 44.200 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này là hơn 442.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm, đứng thứ 12 toàn ngành.

Ngân hàng có 1.277 tỷ đồng khoản phải thu gồm các khoản phải thu nội bộ và các khoản phải thu bên ngoài. Ngoài ra, LPBank có 6.078 tỷ đồng là các khoản lãi, phí phải thu, phần lớn đều là các khoản phải thu từ bưu điện các tỉnh liên quan đến các hoạt động huy động tiền gửi và huy động tiền tiết kiệm của LPBank. Các khoản này phát sinh hàng ngày và có thời hạn thanh toán trong một tháng. Những khoản phải thu trên là hơn 7.300 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng tài sản.

Đến hết quý II, báo cáo tài chính cho thấy số nợ xấu (gồm nợ nhóm 3,4,5) của LPBank là 5.482 tỷ đồng. Xét về số tuyệt đối, số nợ xấu của nhà băng này xếp thứ 14 toàn ngành và tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 1,7%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức 77,1%, giảm 16,6% so với cuối năm ngoái. 

Trong văn bản công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi của LPBank, chỉ có 2 cổ đông nắm trên 1% cổ phần nhà băng. Còn lại hơn 90% cổ phần của LPBank là do các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu dưới 1% vốn đứng tên.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đang nắm gần 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,54%. Người có liên quan VNPost sở hữu hơn 225.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chưa đến 0,09%.

Cổ đông còn lại là Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy với hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 2,765%. Người có liên quan ông Thụy nắm gần 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.