Nhiều ca laser thẩm mỹ bị tai biến vì "máy bắn cháy giấy"

(Dân trí) - Theo Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM, trong số hàng trăm ca tai biến thẩm mỹ nội khoa nơi này tiếp nhận mỗi năm, có nhiều trường hợp sử dụng laser không rõ loại ở spa gây bỏng nặng.

Ngày 25/9, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, mỗi năm đơn vị tiếp nhận hàng trăm trường hợp đến khám và điều trị tai biến vì làm đẹp từ các cơ sở thẩm mỹ ở TPHCM và các tỉnh.

Trong đó, có 69% do tiêm chích, 16% tai biến do làm đẹp bằng laser hay thiết bị phát năng lượng, 10% do hóa chất và 5% do các nguyên nhân khác.

Nhiều ca laser thẩm mỹ bị tai biến vì "máy bắn cháy giấy"  第1张

Một trường hợp bị tai biến sau khi thực hiện thẩm mỹ nội khoa (Ảnh: BV).

Tai biến tiêm chất làm đầy diễn ra đa dạng ở nhiều vị trí, như thái dương, mũi, má, vùng môi, khiến da và vùng mặt của bệnh nhân bị biến dạng nặng nề. Ngoài ra, còn có những ca bị biến chứng nặng sau tiêm thuốc tan mỡ…

Bác sĩ Thúy nhận định, có một số nguyên nhân dẫn đến tai biến, như bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ "chui", người hành nghề thẩm mỹ chưa được đào tạo chuyên khoa, quảng cáo quá sự thật khiến người dân đặt niềm tin không đúng chỗ.

Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM phân tích, có thực trạng nhân viên thực hiện thủ thuật thẩm mỹ không đảm bảo điều kiện vô khuẩn, không sử dụng găng tay vô khuẩn, chưa được đào tạo để đánh giá nguy cơ nhiễm trùng cũng như sử dụng kháng sinh dự phòng sau đó.

Nhiều ca laser thẩm mỹ bị tai biến vì "máy bắn cháy giấy"  第2张

Một loại máy laser da được quảng cáo trên mạng xã hội với hình ảnh "bắn cháy giấy" (Ảnh: BV).

Kế đến, nhiều cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ loại, các thiết bị laser chưa qua thẩm định, năng lượng không chuẩn, dễ gây bỏng. "Máy bắn đến cháy giấy, lông nào chịu nổi", bác sĩ Thúy dẫn chứng.

Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu TPHCM đưa ra thống kê báo động, khi có hơn 77% người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ không phải bác sĩ, hơn 15% người hành nghề làm đẹp không rõ có là nhân viên y tế có chuyên môn hay không.

Từ thực tế trên, bác sĩ Thúy đề xuất nhiều giải pháp xử lý tình trạng tai biến liên quan đến thẩm mỹ nội khoa.

Thứ nhất, các phòng khám cần công khai giấy phép hoạt động, đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn, với đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, thiết bị và thuốc dùng trong thẩm mỹ phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định an toàn.

Nhiều ca laser thẩm mỹ bị tai biến vì "máy bắn cháy giấy"  第3张

Một trường hợp làm đẹp mà người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ không phải bác sĩ (Ảnh: BV).

Ở góc độ điều trị, các cơ sở y tế cần xử trí tốt các tai biến thẩm mỹ và tăng cường công tác báo cáo Thanh tra Sở Y tế khi gặp các trường hợp nghi ngờ, xác định tai biến.

Song song đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, như các bài và clip truyền thông, đăng các thông tin khoa học trên mạng xã hội, phối hợp báo chí… Ngoài ra, việc cập nhật trau dồi kiến thức, đào tạo thường xuyên rất quan trọng trong phòng ngừa tai biến thẩm mỹ da.