Năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm nhu cầu vàng tiếp tục tăng mạnh do bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp trên khắp thế giới.
Trong khi các loại tiền ảo, các công cụ tài chính phức tạp ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu thì sức hấp dẫn của vàng vẫn chưa hề suy giảm, thậm chí tăng mạnh trong những năm gần đây.
Vàng là công cụ thương mại ổn định nhất khi thế giới bất ổnVàng tiếp tục được coi là một trong những nơi trú ẩn an toàn nhất cho cả các nhà đầu tư lẫn các quốc gia nhất là khi xảy ra bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Là công cụ tiền tệ và lưu trữ từ hàng nghìn năm trước, các nền văn minh cổ đại, từ Ai Cập đến La Mã đều nhận thấy tiềm năng của vàng do có độ bền cao, khả năng phân chia và có giá trị nội tại. Tiền vàng đã trở thành tiêu chuẩn của sự giàu có, tạo sự thuận lợi cho các hoạt động thương mại và giữ vững nền kinh tế của nhiều nền văn minh khác nhau.
Trong kỷ nguyên hiện đại, khi bản vị vàng được thiết lập vào cuối thế kỷ 19, kim loại này lại là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia gắn đồng tiền của mình với một lượng vàng cụ thể, tạo ổn định cho việc định giá. Cùng với Cách mạng Công nghiệp, thể chế bản vị vàng đã thúc đẩy kỷ nguyên tăng trưởng và ổn định kinh tế chưa từng có trong thế giới phương Tây, do nó hạn chế khả năng lạm phát trong nguồn cung tiền mặt và đảm bảo một cơ chế tỷ giá hối đoái dễ dự đoán.
Năm 1944, Hội nghị Bretton Woods tìm cách thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới. Kết quả, bản vị vàng được sửa đổi. Cụ thể, giá trị USD gắn với vàng, các loại tiền tế định giá theo USD. Hệ thống này công nhận vị thế kinh tế ưu việt của Mỹ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và xác định đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Hệ thống Bretton Woods hoạt động hiệu quả cho đến những năm 1960 khi thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng. Áp lực lạm phát khiến cho khả năng chuyển đổi vàng của đồng USD trở nên không bền vững. Năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã quyết định chấm dứt sự liên kết của đồng USD với vàng. Thời kỳ Bretton Woods kết thúc và bắt đầu kỷ nguyên tiền định danh. Các đồng tiền không còn được hỗ trợ bởi bất kỳ loại hàng hoá nào như vàng, bạc. Thay vào đó, các quốc gia phát triển bắt đầu thả nổi đồng tiền, giá trị đồng nội tệ của từng quốc gia tăng, giảm dựa trên xu hướng của nền kinh tế.
Quá trình chuyển đổi sang hệ thống tiền định danh đã làm suy giảm đáng kể vai trò của vàng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương không còn cần phải nắm giưc lượng vàng khổng lồ để định giá đồng tiền khiến nhu cầu của vàng giảm mạnh. Từ đó, vàng phải chịu áp lực từ thị trường, đã có những biến động đáng kể về giá trong những năm sau đó. Đặc biệt, trong hai thập kỷ 1980 và 1990, giá vàng toàn cầu đã giảm mạnh khi tỷ lệ lạm phát ổn định và quá trình toàn cầu hóa khiến cho các nền kinh tế đều tăng trưởng mạnh.
Xu thế đảo ngược
Mặc dù vậy, những năm gần đây, xu hướng này đã bắt đầu đảo ngược, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Lượng dự trữ vàng của những quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008, và gần gấp ba kể từ 1990.
Nguồn: Dữ liệu tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tếTrung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia đóng góp lớn nhất đối với sự tăng trưởng đột biến của vàng. Cách làm đó là do các nền kinh tế mới nổi muốn đa dạng hoá, thoát dần khỏi đồng USD vốn chiếm 2/3 dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Niềm tin suy giảm của các quốc gia mới nổi vào đồng USD liên quan nhiều đến sự bền vững của nền kinh tế và bối cảnh địa chính trị. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm rõ rủi ro thanh khoản của đồng USD, làm xói mòn niềm tin của họ vào sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ. Cùng năm đó, Trung Quốc đã giới thiệu khuôn khổ hoán đổi tiền tệ mới, dựa trên đồng Nhân dân tệ (CNY).
Khoản nợ khổng lồ của Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại về việc mất niềm tin vào đồng USD, góp phần làm gia tăng nhu cầu về vàng. Theo dự báo mới nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ công của Mỹ có thể đạt 107% so với GDP của nước này, vượt qua mức đỉnh 105% trong Thế chiến thứ hai.
Thế kỷ 21 cũng đã giới thiệu các hình thức cạnh tranh kinh tế và công nghệ mới. Điều này cũng tạo ra nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ -Trung tác động đáng kể đối với các hoạt động thương mại trên thế giới. Cùng với đó, lập trường ngày càng bảo hộ của Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu hoá mà các quốc gia mới nổi dựa vào để phát triển.
Trong khi đồng CNY vẫn chưa sẵn sàng để cạnh tranh với USD, do tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính Trung Quốc vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của cường quốc Châu Á này. Đồng Euro có rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như Brexit. Vì vậy, các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã quay trở lại với vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình.
Từ năm 2010, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tích lũy 7.800 tấn vàng. Trung Quốc hiện đang là quốc gia mua vàng lớn nhất. Năm 2023, Trung Quốc công bố tổng lượng vàng dự trữ tăng 225 tấn, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1977. Dự trữ vàng của Trung Quốc hiện đạt 2.235 tấn.
Giao dịch bằng vàng có một lợi thế đáng chú ý trong một thế giới bất ổn. Đó là khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế do tính ẩn danh, khả năng truy xuất nguồn gốc thấp, và là một lựa chọn thay thế tốt so với việc sử dụng các trung tâm tài chính của phương Tây – nơi Mỹ và các đồng minh có thể hạn chế dòng chảy thương mại. Sau khi Mỹ và Châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vào năm 2014, quốc gia này đã mua vàng với số lượng đáng kể. Trung Quốc cũng đã trở nên thận trọng hơn trong việc phụ thuộc vào đồng USD, và được nhiều nhà quan sát dự đoán là sẽ dần thay thế đồng USD khỏi lượng dự trữ trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay.
Ba Lan là quốc gia mua vàng lớn thứ hai năm 2023. Điều này là do sự bi quan của Ba Lan đối với cuộc xung đột tại Ukraine, mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Đông Âu này. Từ tháng 4 đến tháng 11, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đã mua 130 tấn vàng, đưa lượng vàng dự trữ nước này lên 359 tấn, và là khối lượng mua kỷ lục của NBP từ trước đến nay. Thống đốc NBP khẳng định Ba Lan sẵn sàng tăng tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia từ mức 12% hiện tại lên 20%.
Giá vàng liên tục lập kỷ lục thời gian qua.
Năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm nhu cầu vàng tiếp tục tăng mạnh do bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp trên khắp thế giới. Mặt khác là 2024 sẽ là năm có nhiều cuộc bầu cử lớn. Những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bầu cử tại Anh, Ấn Độ… đều có khả năng ảnh hưởng thị trường tài chính toàn cầu.
Và như hậu quả của một thế giới bất ổn, giá vàng toàn cầu đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt mức kỷ lục, hơn 2.400 USD mỗi ounce (28 gram) vào đầu tháng 5. Với việc đồng USD vẫn chưa là sự lựa chọn thay thế hợp lý đối với các ngân hàng trung ương tại các quốc gia mới nổi, nhu cầu vàng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Đăng thảo luận