Quảng Ninh giờ sợ nhất mưa!

Hơn 4 ngày bão số 3 càn quét qua địa phận TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, cũng là từng ấy ngày, mỗi sáng sớm, chị Phạm Thị Sinh - nhân viên của Công ty đầu tư và phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh lại khoác lên mình bộ quần áo mưa đẩy chiếc xe rác quanh các con đường trên phường Cao Thắng, tay cầm chổi, tay cầm xẻng cặm cụi quét dọn đưa rác lên thùng và đẩy đi. Những ngày này, rác chủ yếu là lá, cành cây và rác thải sinh hoạt do bão số 3 để lại.

"Hôm qua, chỉ có một đoạn ngắn trên đường Cao Thắng chưa đầy 200m mà tôi dọn nguyên ngày mới xong vì nhiều cây gãy đổ quá. Sau bão, mất điện, mất sóng, không liên lạc được, công ty cho người đến từng nhà gọi mọi người tăng ca", chị Sinh nói.

Mỗi ngày chị chỉ tranh thủ nghỉ một chút buổi trưa để "nạp năng lượng" bằng suất cơm nguội ngắt hoặc cái bánh mì vì hiện tại khu nhà chị vẫn chưa có điện. "Phải tranh thủ lúc trời còn sáng, vì đến tối không có điện không nhìn thấy gì", chị Sinh nói và trải lòng thêm rằng, bão số 3 cũng khiến gia đình chị bị sập mái tôn nhưng cũng chưa có thời gian ở nhà dọn dẹp cùng gia đình.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第1张

Từ sau bão, chị Phạm Thị Sinh làm việc không còn theo ca kíp nữa. Thời gian biểu làm việc là từ lúc thấy mặt trời lên đến khi tối mịt. Ảnh: Thu Lê.

Trời Hạ Long, những ngày sau bão số 3, mưa liên tục, nhiều lúc mưa lớn nước chưa kịp thoát dềnh lên quá vỉa hè, có chỗ ngập sâu lên đến 30-40cm. Những lúc như thế này, chị Sinh và các công nhân vệ sinh môi trường lại làm "công nhân thoát nước" đứng trực ở các miệng nắp cống mò lá bỏ đi để nước dễ dàng thoát nhanh hơn.

Chị Sinh bảo, dù mất điện hay mưa lớn, mọi người đều có thể khắc phục để làm xuyên ngày xuyên đêm được. Nhưng có cái khó hơn là các bãi chứa rác tạm hiện giờ đã đầy. Nhiều nơi rác đổ đống ở trên đường, nếu không được dọn sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Trên các con đường chúng tôi di chuyển, rác thải, cây, cành, lá vẫn ngổn ngang bên vệ đường. Chứng kiến bãi rác tạm trước cổng vào Khu đô thị Lideco tại phường Cao Thắng, đập vào mắt chúng tôi nào là cây cối và rác sinh hoạt ngổn nhang, đổ tràn ra gần hết làn đường chiều đi vào Khu đô thị này, các máy xúc đang làm việc gần như hết công suất để dọn dẹp.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第2张

Chị Đinh Thị Bích, nhân viên Công ty đầu tư và phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh Thu Lê.

Chị Đinh Thị Bích - Tổ phó tổ 6, phường Cao Thắng - nhân viên của Công ty đầu tư và phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh đang làm việc tại bãi rác tạm này cho hay, tại khu vực Hạ Long hiện đang có 7 đầu xe thu gom rác chạy liên tục. Công ty còn huy động cả xe tải, máy xúc để dọn dẹp.

"Sau bão, lượng rác tăng lên gấp nhiều lần, các khu vực tập kết rác tạm hiện vẫn đang quá tải. Ngoài rác cây cối, còn có rác dân sinh. Cùng với đó, việc di chuyển và đi lại trên các tuyến đường khá khó khăn. Giờ lại mưa nữa, chúng tôi đang chạy đua với thời gian, mưa vẫn làm hết công suất, cố gắng không để rác bít các mặt cống thoát nước để giảm ngập úng", chị Bích nói.

"Mấy hôm mưa lớn, khối lượng cây cối gãy đổ chưa kịp dọn đi còn nhiều, nên làm tắc cống. Nước ngập nhanh khủng khiếp. Khu dân cư trong khu chợ Bãi Muối, nước ngập đến bụng chúng tôi. Mấy chị em phải kiếm cây dò đường, hai người cùng nhau kéo thì mới đưa được xe gom rác này ra ngoài. Lưng bọn tôi muốn gãy ra. Quần áo, đầu tóc lúc nào cũng ướt, mệt nhưng phải cố làm cho thật nhanh. Sợ mưa sau bão lắm nhà báo ạ", chị Bích chia sẻ với PV Dân Việt.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第3张

Bãi rác tạm trước cổng Khu đô thị Lideco (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã quá tải. Ảnh: Thu Lê.

Không chỉ chị Sinh, chị Bích, từ nhiều đêm nay, lực lượng môi trường của tỉnh đã đưa xe cơ giới làm việc xuyên đêm để nhanh chóng dọn dẹp cây gãy đổ. Ước tính, có trên 100.000 cây xanh trên các tuyến đường, trong khu dân cư bị gãy đổ. Với khối lượng này, việc dọn dẹp hết sức vất vả, nhất là trong điều kiện có mưa.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第4张

Từ nhiều đêm nay, lực lượng môi trường đã đưa xe cơ giới làm việc xuyên đêm để nhanh chóng dọn dẹp cây gãy đổ. Ảnh: Thu Lê

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第5张

Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hạ Long đã được dọn dẹp cơ bản, đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông. Ảnh chụp sáng ngày 10/9 tại phường Cao Thắng. Ảnh: Thu Lê.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第6张

Lực lượng vệ sinh môi trường phải huy động máy xúc và xe tải để nhanh chóng dọn dẹp cây xanh gãy đổ, để hạn chế ngập khi có mưa lớn. Ảnh: Thu Lê.

Chúng tôi gặp, ông Biên Hùng Dũng - Trưởng Công an phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) tại chợ Hạ Long. Ông Dũng cùng đồng đội  đang cắt những cây gãy đổ, kéo gọn vào lề đường, đợi xe cơ giới vào dọn dẹp.

Ông Dũng chia sẻ, liên tiếp trong các ngày 8, 9 và 10/9, các chiến sĩ đã cùng với lực lượng dân phòng, lực lượng an ninh trật tự của phường và người dân cắt tỉa, dọn dẹp cây xanh gãy đổ trên tuyến đường 25/4, khu vực quảng trường chợ Hạ Long 1 và khu phố Kim Hoàn để các phương tiện được lưu thông an toàn..

Đến trưa ngày 10/9, gần như toàn bộ cây xanh bị gãy đổ, bật gốc chắn ngang các tuyến đường và các khu dân cư trên địa bàn TP Hạ Long đã được xử lý. .

Tuy nhiên, lượng lớn cành cây và lá cây bị rụng sau bão đã làm tắc các nắp cống, gây ngập úng cục bộ tại thành phố sau trận mưa lớn vào chiều 9/9. Song, tình trạng này đã được khắc phục. Trưa và chiều ngày 10/9, Hạ Long tiếp tục có mưa to, nhưng tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực đã giảm.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第7张

Ông Biên Hùng Dũng - Trưởng Công an phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) với đôi mắt đầy vân máu, khuôn mặt không dấu nổi sự mệt mỏi vì đã thức nhiều đêm khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: Thu Lê.

Dạo một vòng TP Hạ Long, khung cảnh xanh, thanh bình, thơ mộng ngày nào, giờ thực sự khiến ai cũng phải đau xót. "Tan hoang", "khủng khiếp", không thể nhận ra"... Một chiến dịch khắc phục hậu quả bão số 3 đã được TP.Hạ Long phát động. Đây sẽ là chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn TP tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy, đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ.

Ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết: "Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, thành phố sẽ phát huy mô hình của trên 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, để mỗi người dân cũng là một chiến sĩ. Hạ Long phấn đấu thực hiện dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường cả ngày lẫn đêm, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 12/9".

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第8张

Tham gia chiến dịch khắc phục hậu quả bão số 3, các giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (TP.Hạ Long) đội mưa dọn dẹp trong sáng 10/9 để làm sạch đường phố. Ảnh: Thu Lê.

Quảng Ninh: Cần nhất là điện!

Bão số 3 gây mất điện toàn TP Hạ Long. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện, các công sở, các doanh nghiệp, và mọi người dân. Mất điện ảnh hưởng đến cả hệ thống mạng viễn thông, ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu, cung cấp nước cho người dân...

Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) cho biết: "Ngay sau bão, Công ty đã nhanh chóng khắc phục, cơ bản đảm bảo cấp nước cho tất cả các bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tất cả các nhà máy nước thuộc quản lý của công ty đã khắc phục xong các sự cố để cấp nước bình thường trở lại".

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第9张

Lãnh đạo Quawaco trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố. Ảnh: Quawaco.

Tuy nhiên tại nhiều khu vực, công ty phải cho vận hành trạm bơm bằng máy phát điện, vì hệ thống điện chưa được phục hồi. Trong thời gian này, Công ty đã chủ động duy trì nguồn mua từ các cây xăng để đảm bảo vận hành. Do đó, Quawaco đã đề nghị Công ty Điện lực Quảng Ninh ưu tiên sửa chữa, khắc phục các sự cố đường dây cấp điện cho các nhà máy, khu xử lý, trạm bơm của Công ty để sớm vận hành mạng lưới cấp nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Thông tin đến PV Dân Việt, ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long - đơn vị đang vận hành Nhà máy xử lý rác Khe Giang tại TP.Uông Bí cho biết: "Rác ở Uông Bí, Hạ Long, Quảng Yên,... đều đang được chuyển lên đây. Khối lượng tăng gấp 2, gấp 3 hằng ngày rồi, nhưng chưa có điện nên các lò đốt chưa hoạt động lại được. Chưa kể nhà máy cũng đang bị thiệt hại, mà chúng tôi chưa thể khắc phục được. Giờ rất cần có điện trở lại".

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第10张

Nhà máy xử lý rác Khe Giang (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) xử lý rác bằng phương pháp đốt. Hiện vẫn chưa có điện để khôi phục lại hoạt động và sửa chữa máy móc.

Theo đại diện Điện lực Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng ngành điện. Suốt những ngày qua, hơn 1.000 người căng sức trong mưa gió, làm việc xuyên đêm để khắc phục điện lưới bị bão Yagi tàn phá nghiêm trọng.

Theo thống kê mới nhất của Điện lực Quảng Ninh, với lưới điện 110kV, có 10 cột bị gãy, đổ; hàng chục cột bị nghiêng (chưa bao gồm các cột trong các trạm 110kV); rất nhiều vị trí khoảng cột bị đứt dây, nhiều trạm 110kV bị hư hỏng thiết bị, mái bị thổi bay nên nước vào nhà trạm.

Ở hệ thống trung áp, có 31 trạm bị hư hỏng; 544 cột bị gãy, đổ; 160 cột bị lở, nghiêng; hơn 34.000m dây dẫn bị hỏng; gần 900 quả sứ bị vỡ. Hệ thống hạ áp có 1.395 cột bị gãy, đổ; 140 cột sạt lở, nghiêng; khoảng 18.400m dây dẫn bị hỏng. Đó còn chưa kể các cột, đường dây hạ áp, các tủ điện và hệ thống đường dây vào tới các tổ dân khu phố, các hộ dân, thậm chí cả công tơ điện của các hộ dân.

Những người thầm lặng làm sạch Hạ Long  第11张

Thợ điện vắt vẻo trên cao nhằm sớm khôi phục toàn bộ hệ thống điện lưới ở Quảng Ninh. Ảnh: Công ty Điện lực Quảng Ninh

Dù toàn ngành đã triển khai các biện pháp cấp bách nhằm khắc phục sự cố, cấp điện trở lại, tuy nhiên do mưa lớn kéo dài, việc khắc phục lưới điện gặp nhiều khó khăn. Để nhanh chóng khắc phục xong hoàn toàn sự cố, ngành Điện Quảng Ninh cũng đã huy động cán bộ, công nhân viên điện lực tại nhiều tỉnh, thành khác về tỉnh để tăng cường, hỗ trợ... Các chiến sĩ "áo cam" không quản ngại mưa gió, điều kiện làm việc nguy hiểm, làm việc cả ban đêm để mang điện về cho từng hộ dân.