Loạt giải Nobel 2024 vừa công bố đã phản ánh hai vấn đề mà thế giới trong năm qua rất quan tâm: trí tuệ nhân tạo (AI) và chiến tranh.
Bản sao huy chương giải Nobel hòa bình hiện đang được trưng bày tại Viện Nobel Na Uy ở thủ đô Oslo (Na Uy) - Ảnh: AFP
Có thể thấy, giải Nobel 2024 thể hiện rõ nét những mối quan tâm lớn của thế giới hiện tại. Giải Nobel vật lý và hóa học đã tôn vinh các thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), phản ánh sự phát triển vượt bậc của công nghệ.
Đồng thời, giải Nobel văn học và hòa bình lại gửi gắm thông điệp sâu sắc về thân phận con người và những nỗi đau chiến tranh để lại, nhắc nhở chúng ta về những mất mát và tổn thương mà xung đột gây ra.
Khoa học và AI
Loạt giải thưởng Nobel năm nay trở nên đặc biệt khi vinh danh các nhà khoa học trong lĩnh vực AI qua hai giải vật lý và hóa học. Điều này đã đưa AI và các công trình nghiên cứu liên quan lên một tầm cao mới, khẳng định vai trò quan trọng của AI trong những bước đột phá khoa học hiện đại.
Sự công nhận này không chỉ phản ánh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mà còn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng sâu rộng của AI đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
Nobel kinh tế 2024 trao cho nghiên cứu lý giải vì sao có nước giàu, nước nghèo
Chủ nhân Nobel Hòa bình 2024 lo ngại chiến tranh hạt nhân nổ ra
Nobel vật lý ghi nhận công lao của hai nhà khoa học là giáo sư Geoffrey Hinton và giáo sư John Hopfield cho những công trình nghiên cứu mang tính "đặt nền móng" cho AI vào cuối những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ trước.
Trả lời Hãng tin AP, ông Hinton cho biết đã "vô cùng sửng sốt" khi nhận tin mình được giải. Cả hai nhà khoa học, cũng như nhiều người khác, đều nghĩ rằng AI không phải thứ mà người ta hay liên hệ khi nhắc đến vật lý.
Trong khi Nobel vật lý ghi nhận các công trình là nền tảng cho AI thì Nobel hóa học lại vinh danh các nhà khoa học đã ứng dụng AI để giải quyết vấn đề tưởng như là bất khả thi trong sinh học.
Hai ông Demis Hassabis và John M. Jumper được một nửa giải thưởng vì đã phát triển ra hệ thống AI giúp giải quyết vấn đề chưa có lời giải trong 50 năm qua: dự đoán cấu trúc của mọi loại protein từng được biết đến. Một nửa giải thưởng dành cho GS.TS Baker vì thành tựu "thiết kế protein bằng máy tính".
TS Hassabis kỳ vọng 10 năm nữa, khi nhìn lại, AI sẽ đánh dấu một kỷ nguyên vàng của các khám phá khoa học trong tất cả lĩnh vực khác nhau. "Đó là lý do khiến tôi tham gia vào AI ngay từ đầu. Tôi coi đó là công cụ tối ưu để đẩy nhanh nghiên cứu khoa học", ông nói.
Nobel và hiện thực cuộc sống
Báo New York Times nhận định việc trao giải Nobel hòa bình cho Nihon Hidankyo - tổ chức đại diện cho những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản - đã phản ánh mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang hạt nhân.
Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đang diễn ra căng thẳng, cùng với sự gia tăng của các loại vũ khí hạt nhân chết người tại Trung Đông và châu Á.
Khi công bố giải thưởng, Ủy ban Nobel Na Uy bày tỏ mối lo ngại sâu sắc rằng "sự cấm kỵ" liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân đang dần phai nhạt. Lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi ngay trước khi giải Nobel hòa bình được công bố, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã thông báo về cuộc tập trận hạt nhân thường niên mang tên "Steadfast Noon" đã bắt đầu.
"Vào thời điểm này trong lịch sử loài người, điều cần thiết là phải nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân: loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất mà thế giới từng chứng kiến" - Ủy ban Nobel nhấn mạnh khi công bố giải thưởng vào ngày 11-10.
Bên cạnh đó, giải Nobel văn học được trao cho nữ văn sĩ người Hàn Quốc Han Kang cũng là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ khác dành cho thế giới về thân phận con người trong bối cảnh chiến tranh và bạo lực.
Theo Viện hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Han Kang được vinh danh với giải Nobel văn học nhờ những tác phẩm được viết bằng một kiểu "văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, trực diện với các vết thương lịch sử và khắc họa rõ nét sự mong manh của kiếp người".
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016, nhà văn Han Kang chia sẻ rằng cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980, khi quân đội chính phủ nổ súng vào đám đông biểu tình khiến hàng trăm người thiệt mạng, đã định hình quan điểm của bà về khả năng bạo lực của con người. Sự kiện này đã trở thành nỗi ám ảnh và tác động sâu sắc đến các tác phẩm của bà.
Trong sự kiện ấy, nhà văn Han Kang đặc biệt ấn tượng với hình ảnh đoàn người xếp hàng hiến máu cho những người bị thương khi tham gia nổi dậy. Bà chia sẻ: "Hình ảnh đó giống như hai câu hỏi không có lời giải cứ in sâu vào tâm trí tôi: Làm sao con người có thể bạo lực đến mức như vậy? Làm sao con người có thể cao cả đến mức ấy?".
Giải Nobel thiếu vắng nhà khoa học nữ
Trang tin STAT nêu ra vấn đề bất bình đẳng giới trong các giải thưởng khoa học, minh chứng rằng kể từ khi giải Nobel được thành lập vào năm 1901, đến nay chỉ có 24 phụ nữ được trao giải trong các lĩnh vực khoa học.
Điều này phản ánh sự thiếu hụt đáng kể sự công nhận đối với những đóng góp của phụ nữ trong khoa học, so với các đồng nghiệp nam. Nobel 2024 cũng không là ngoại lệ, khi tất cả 7 người đoạt giải trong các lĩnh vực vật lý, hóa học và y sinh đều là nam giới.
Đăng thảo luận